Người tiêu dùng hết lo "tù mù" giá thuốc
(Dân trí) - Không như các mặt hàng khác có thể "mặc cả", khi vào hiệu thuốc, thường nói sao, người tiêu dùng mua giá vậy. Bộ Y tế cung cấp công cụ để người tiêu dùng tra giá thuốc.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, ngân hàng dữ liệu ngành Dược được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2020 đến nay vẫn được cập nhật liên tục, giúp người dân chủ động tra cứu được giá thuốc, mặt hàng thuốc người dân quan tâm.
Bác Nguyễn Thị Hải (Chung cư 170 Đê La Thành, Ô Chợ Dừa, Đống Đa) cho biết, khi đi khám bệnh, nhận đơn kê của bác sĩ, bao giờ bác cũng đưa cho con gái tra giá thuốc.
"Nắm được giá kê khai, khi đi mua thuốc, không sợ bị hớ, mình có thể chủ động lựa chọn cửa hàng thuốc bán giá loanh quanh với giá kê khai, không sợ bị khống giá tăng vọt", bác Hải chia sẻ.
Trước đó, tháng 8/2020, Bộ Y tế công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi ngành dược. Tại thời điểm này, Việt nam là một trong số ít những cơ quan quản lý cấp quốc gia xây dựng hệ thống dữ liệu về thuốc và cung cấp công cụ tra cứu cho cộng đồng, với sự ra mắt của ngân hàng dữ liệu ngành Dược.
"Việt Nam hiện đang là nước duy nhất trong 10 nước ASEAN có ngân hàng dữ liệu ngành Dược" - Cục trưởng Cục Quản lý Dược nhấn mạnh.
Các nước khác như Mỹ, Canada và Ấn Độ sở hữu ngân hàng dữ liệu ngành Dược.
Đến nay, Cục Quản lý Dược đã phối hợp với các đơn vị để số hóa, xây dựng và cập nhật lên thông tin, dữ liệu của gần 65.000 thuốc đang được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin về thuốc, đáp ứng được các tiêu chí: chính xác, đầy đủ.
Với ngân hàng dữ liệu ngành Dược, người dân ngồi tại nhà và sử dụng một thiết bị có kết nối mạng là đã có thể truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ nhất về tất cả các thuốc đang lưu hành tại Việt Nam, từ kênh chính thống của cơ quan quản lý nhà nước, từ đó tham khảo về:
- Hướng dẫn sử dụng thuốc.
- Kiến thức để sử dụng thuốc an toàn - hiệu quả - kinh tế.
- Giá thuốc, hệ thống nhà thuốc đạt chuẩn GPP.
Các thuốc được tra cứu dễ dàng, hiển thị rõ ngày kê khai giá thuốc, loại đóng gói, giá thành, hàng sản xuất trong nước hay hàng nhập khẩu.
Ví dụ thuốc Levothyrox có hoạt chất là Levothyroxine natri; hàm lượng 100mcg; số giấy phép lưu hành là VN-17749-14; viên nén Hộp 3 vỉ x 10 viên; Có giá 1,470/viên; cơ sở sản xuất là Merck Healthcare KGaA; cơ sở đóng gói và xuất xưởng: Merck S.A de C.V; cơ sở sản xuất là Đức; đóng gói và xuất xưởng: Mexico; CÔNG TY TNHH MERCK HEALTHCARE VIỆT NAM nhập khẩu.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể tra cứu các thông tin khác về chất lượng thuốc, như tra cứu thuốc vi phạm chất lượng, tra cứu doanh nghiệp có thuốc vi phạm.
Các công ty cũng hoàn toàn có thể thực hiện trực tuyến việc đăng kí thuốc; kê khai lại giá thuốc từ hệ thống này. Có thể gửi các thông tin liên quan đến thuốc, xác nhận nội dung quảng cáo thuốc.
Theo lãnh đạo Cục quản lý Dược, việc chuyển đổi số nhằm hướng tới việc phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường tính công khai và minh bạch trong quản lý ngành dược.