1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người tiếp xúc với lợn dễ bị viêm màng não mủ

(Dân trí) - Những người giết mổ, buôn bán, nuôi lợn và chế biến thịt lợn là đối tượng dễ bị mắc bệnh viêm màng não mủ do nhiễm vi khuẩn Streptococcus Suis(S.Sius). Đây là bệnh truyền nhiễm mới nổi tại khu vực Đông Nam Á và có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam.

Người tiếp xúc với lợn dễ bị viêm màng não mủ

Trên 40% số heo khảo sát tại các lò mổ ở TPHCM và 6 tỉnh thành lân cận có mang vi khuẩn S.Suis ở vùng hầu họng. Ảnh Internet

 

Theo báo cáo của TS. BS Hồ Đặng Trung Nghĩa tại Hội thảo Thách thức bất tận của bệnh nhiễm trùng và Nghiên cứu y học tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới ngày 19/12, vi khuẩn S.Suis thường trú ở đường hô hấp, tiêu hóa và cơ quan sinh dục của lợn có thể truyền trực tiếp qua những vết đứt, xây xát nhỏ trên da khi tiếp xúc với lợn, thịt lợn; ăn tiết canh heo, lưỡi họng heo, dồi trường, dạ dày, ruột, huyết heo chưa chín..

 

Vì vậy những người thường xuyên giết mổ, buôn bán, nuôi lợn và chế biến thịt lợn là đối tượng rất dễ mắc bệnh. Trong đó chủ yếu là nam giới ở độ tuổi từ 47 -55.

 

Khi nhiễm khuẩn, người bệnh thường có triệu chứng sốt cao trên 39oC, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, xuất huyết các ban hoại tử trên da (mảng xám đen hoặc lốm đốm), điếc ít nhất một tai và có thể tử vong nếu nhiễm trùng nặng.

 

Bệnh do vi khuẩn S.Suis không trở thành dịch mà xảy ra quanh năm. Ở các tỉnh bắc miền trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị có tỉ lệ lợn mắc bệnh do S.Suis cao hơn cả nước. Nhóm nghiên cứu BV Bệnh nhiệt đới giải thích sự thay đổi nhiệt độ đột ngột ở các tỉnh bắc Hải Vân có thể là nguyên nhân. Hơn nữa, lượng vi khuẩn cao có trong thịt và nội tạng heo không được trữ lạnh bày bán ở chợ có thể lây truyền sang người vào mùa hè.

 

Để phòng tránh, người thường xuyên tiếp xúc với lợn và thịt lợn nên mang bao tay, ủng cao su; Tránh ăn các món ăn chế biến từ lợn còn sống hoặc chưa chín (tái); Tránh giết mổ, chế biến, buôn bán và ăn thịt heo bệnh. Ngoài ra những người bị cắt lách không nên làm các công việc liên quan đến lợn, thịt lợn vì nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao ở nhóm đối tượng này.              

 

Như Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm