Người phụ nữ đột ngột nguy kịch khi đang cho cháu ăn

Biên Thùy

(Dân trí) - Trong lúc cho cháu nhỏ ăn trưa, người phụ nữ 45 tuổi bất ngờ bị méo miệng, nói đớ rồi dần diễn biến nặng, nguy kịch.

Đó là trường hợp chị T. (45 tuổi, quê Tây Ninh). Khai thác bệnh sử, trong lúc cho cháu nhỏ ăn trưa, người phụ nữ bất ngờ yếu nửa người trái, méo miệng và nói đớ.

"Ngay khi vừa phát hiện, tôi biết chắc chị bị tai biến. Trong giây phút cấp bách đó, gia đình đã không hề chần chừ đưa thẳng chị đến bệnh viện", người nhà bệnh nhân chia sẻ.

Tại khoa Cấp cứu của bệnh viện, bác sĩ nhanh chóng đánh giá bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ cấp, nên kích hoạt Code Stroke (quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cấp), song song với chỉ định chụp cắt lớp vi tính mạch máu não và chuẩn bị sẵn thuốc tiêu sợi huyết.

Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhân tắc động mạch não giữa đoạn cuối M1 bên phải. Ngay sau khi hội chẩn khẩn cấp và tư vấn gia đình, để tiết kiệm thời gian, bệnh nhân được ekip điều trị cho dùng thuốc tiêu sợi huyết ngay tại phòng chụp CT.

Nhờ vậy, tình trạng bệnh nhân đã có dấu hiệu cải thiện ngay sau đó. Tuy nhiên, do cục máu đông lớn, thuốc tiêu sợi huyết không phát huy hiệu quả hoàn toàn. Lúc này, can thiệp nội mạch là phương pháp tối ưu để lấy cục máu đông đang làm tắc nghẽn mạch máu của bệnh nhân.

Người phụ nữ đột ngột nguy kịch khi đang cho cháu ăn - 1

Bệnh nhân được can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết kết hợp với DSA (Ảnh: BV).

Với sự hỗ trợ của máy chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA, đội ngũ bác sĩ đã luồn ống thông siêu nhỏ vào động mạch đùi, di chuyển lên vị trí mạch máu não bị tắc. Sau hơn 30 phút can thiệp, cục máu đông đã được lấy ra ngoài trọn vẹn, mạch máu não được tái thông hoàn toàn, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Sau 24 giờ can thiệp, bệnh nhân dần ổn định, vận động tay chân bên trái cải thiện và nói chuyện đã rõ hơn. Sau 8 ngày điều trị, tầm soát nguy cơ đột quỵ để phòng ngừa tái phát, đồng thời được hỗ trợ tập các bài tập phục hồi chức năng, bệnh nhân hồi phục, đi lại bình thường và đã được xuất viện.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Hoài Hưng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh chia sẻ, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp nội mạch lấy huyết khối bằng DSA là hai phương pháp điều trị đột quỵ tiên tiến hiện nay, giúp cứu sống bệnh nhân và giảm thiểu tối đa các di chứng nặng nề của đột quỵ.

Tuy nhiên, thời gian là yếu tố quan trọng trong điều trị đột quỵ. Cụ thể, khoảng thời gian 4,5 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng được coi là "thời gian vàng" để cứu sống bệnh nhân. Do đó, việc gia đình phát hiện và quyết định đưa bệnh nhân đi viện sớm rất quan trọng.

Bác sĩ cho biết thêm, nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường và rối loạn lipid máu không theo dõi và kiểm soát chặt chẽ. Bệnh nhân dù trẻ tuổi vẫn có nguy cơ bị đột quỵ.

Trước đó, ông P.V.T. (54 tuổi, quê Vĩnh Long) đang sinh hoạt bình thường đột ngột có triệu chứng nói khó, liệt hoàn toàn nửa người. Gia đình khi phát hiện sự việc cũng đưa ngay đến bệnh viện. Qua thăm khám và chụp MRI, bác sĩ xác định trường hợp đột quỵ não cấp và còn trong giờ vàng (giờ thứ 3).

Bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) khẩn để cứu sống bệnh nhân và giúp cải thiện chức năng lâm sàng. Sau 1 giờ dùng thuốc, tình trạng yếu liệt của bệnh nhân có cải thiện, phục hồi tốt từ liệt nửa người bên phải sang sức cơ gần như 5/5, nói nghe rõ hơn.

Sau hơn 3 ngày điều trị tích cực theo phác đồ xử lý nhồi máu não, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, nói rõ lời, tay cầm nắm được, chân đi lại được và sinh hoạt bình thường.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện người có triệu chứng như méo miệng, nói khó, tê liệt nửa người hoặc rối loạn ý thức... cần đưa ngay đến cơ sở y tế có đơn vị đột quỵ chuyên sâu gần nhất, để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.