1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người phụ nữ bị chồng bạo hành vỡ nhãn cầu mắt đã được ghép giác mạc

(Dân trí) - Bệnh nhân Nguyễn Thị N. (53 tuổi) từ tận Đồng Nai phải bay ra Hà Nội khẩn cấp, bởi mắt phải bệnh nhân được ghép giác mạc hơn chục năm trước bị tổn thương trầm trọng, đe dọa chị tái mù như trước thời điểm được ghép giác mạc.

Chị Nguyễn Thị N. 53 tuổi ở Tân Thành, Đồng Phú, tỉnh Bình Phước chẳng phải tự nhiên lại bay ra tận Hà Nội để cấp cứu. Chị vốn là dân gốc Bắc vào Bình phước làm ăn được hơn chục năm.

Cách đây hơn 10 năm, khi phong trào hiến giác mạc mới chỉ nhen nhóm, chị mù cả hai mắt do bệnh loạn dưỡng giác mạc và may mắn được ghép giác mạc phải.

Hình ảnh bệnh nhân bị vỡ nhãn cầu mắt phải, con mắt duy nhất còn nhìn thấy của chị do đã được ghép giác mạc từ người hiến tặng. Ảnh: BS Hoàng Cương.
Hình ảnh bệnh nhân bị vỡ nhãn cầu mắt phải, con mắt duy nhất còn nhìn thấy của chị do đã được ghép giác mạc từ người hiến tặng. Ảnh: BS Hoàng Cương.

Nhờ ghép giác mạc, chị đã nhìn thấy ánh sáng, lập nghiệp trong Bình Phước. Tuy nhiên, người chồng của chị thường xuyên uống rượu, thỉnh thoảng "tặng" chị thêm những trận đòn bất thình lình. Tím mặt, sưng mồm là thường xuyên nhưng lần này thì thực sự là tai họa với chị. Mắt phải không những tím bầm do bị đấm mà còn chảy máu và dịch, bóng tối lại ập xuống đời chị.

Bệnh án nhập viện của chị có ghi rõ tổn thương của mắt phải: vỡ nhãn cầu từ 10 h đến 4 h vòng theo diện ghép giác mạc cũ, xuất huyết tiền phòng, phòi tổ chức nội nhãn.

Lúc này, thị lực của chị chỉ còn bóng bàn tay. Mắt trái dày đặc sẹo của bệnh loạn dưỡng giác mạc cũ cũng chỉ lơ mơ nhận biết được bàn tay quơ trước mắt.

Chẳng biết vẫn còn sợ chồng hay quá yêu chồng mà chị vẫn không có phàn nàn gì về ông chồng vũ phu và còn rất ít nhân tính của mình. Chỉ khi nghe tôi phân tích chị và đứa con gái đi cùng mới rấm rứt khóc nấc từng hồi. Ai đó khi lìa đời đã tặng chị đôi mắt để chị có được như ngày hôm nay, công lao của các thầy thuốc nữa. Ấy mà trong tích tắc tay chồng bạo ngược đó đã cướp đi ánh sáng của chị thêm một lần nữa. Ai còn muốn hiến tặng mắt cho chị nữa, ai sẽ lại vất vả ngồi 3- 4h đồng hồ mổ mắt cho chị…

Trong khi chính chị, thân nhân của chị không thể và không muốn giữ gìn chút ánh sáng quí giá của một con mắt duy nhất. Chị lành quá hay nhu nhược quá? Khi nghe tôi gợi ý có cần phải gửi công văn nhắc nhở Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương can thiệp để tình trạng hành hung chị chấm dứt ? Chị lại ậm ừ…để gia đình tự hòa giải.

Tiễn chị lên phòng mổ lòng tôi cứ nặng trĩu. Có nhiều người bị tai nạn vào ngay chính mắt đang có bệnh khác hoặc đã được mổ sáng ra ít nhiều, đó là tai nạn hi hữu hay còn gọi là “họa vô đơn chí”. Vài trường hợp khác do chỉ còn một mắt nhìn được nên cũng hay bị tai nạn nọ kia khiến họ lại mù trở lại. Còn với chị N thì hoàn toàn khác? Biết trách ai: bệnh nhân, người nhà, hàng xóm, chính quyền…Ai cũng có trách nhiệm trong đó còn áo trắng chúng ta chỉ biết kêu trời, buồn tủi nữa.

Trước khi bài viết này được lên trang, thông tin từ kíp mổ do Bác sĩ Sâm là phẫu thuật viên chính khiến tôi thấy nhẹ lòng hơn: giác mạc cũ do còn khá trong, không bị tổn thương nhiều… của người cho vô danh nào đó lại một lần nữa được khâu lại cho chị N để chị có thể nhìn. Tiên lượng phục hồi thị lực của mắt duy nhất đó không đến mức cạn kiệt. Chúc chị may mắn nhưng đừng phụ công các bác sĩ, đừng phụ lòng người đã khuất nữa bởi chắc chắn không có thể có thêm một lần may mắn nữa…

Bác sĩ Hoàng Cương

(Bệnh viện Mắt Trung ương)