Người phụ nữ 20 năm không cúi được người sau mũi tiêm ở phòng mạch

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sau khi được bác sĩ ở phòng mạch tư nhân tiêm thuốc không rõ loại vào cột sống trong 3 tháng, cổ người phụ nữ trở nên cứng dần, hạn chế vận động và không thể cúi được người suốt hơn 20 năm.

Đó là trường hợp của chị P.T.X.T. (43 tuổi, quê Vĩnh Long).

Khai thác bệnh sử, trước đây, chị T. hoàn toàn bình thường. Đến năm 20 tuổi, vì phát hiện đau cột sống cổ, người phụ nữ đi khám thì được bác sĩ ở một phòng mạch tư nhân tiêm thuốc không rõ loại trực tiếp vào cột sống trong 3 tháng, mỗi tháng 3 mũi.

Lúc đầu chị thấy có bớt đau, nhưng sau đó thấy cổ trở nên cứng dần và hạn chế vận động, rồi lan dần xuống cứng cả đốt sống ngực cùng đốt sống thắt lưng. Hơn 20 năm nay, chị không thể cúi xuống hoặc khom lưng, tối ngủ không thể kê cao đầu trên gối được, người cứng như thân cây gỗ.

Người phụ nữ 20 năm không cúi được người sau mũi tiêm ở phòng mạch - 1

Chị T. không thể cúi gập người suốt hơn 20 năm (Ảnh: BV).

Mấy năm gần đây chị có đến khám và điều trị tại một bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM, với chẩn đoán viêm dính thoái hóa cột sống, được bác sĩ cho biết phải uống thuốc cả đời.

Sau khi lập gia đình 3 năm, chị T. phát hiện mình có thai 5-6 tuần và tự ngưng thuốc điều trị cột sống, vì sợ ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Do người phụ nữ chỉ cao 1m45 và nặng 30kg (chẩn đoán suy dinh dưỡng mức độ 3), nên dù suốt quá trình mang thai đã tăng 7kg, em bé cũng phát triển giới hạn theo cơ thể của mẹ.

Khi thai gần 40 tuần tuổi, chị T. được đưa vào Bệnh viện Sản - Nhi Trà Vinh và có chỉ định mổ bắt con, vì thai chậm tăng trưởng trong tử cung và khung chậu hẹp. Tuy nhiên, các bác sĩ không thể gây tê tủy sống trước mổ cho thai phụ, khi không thể tìm được khe hở ở đốt sống để đưa kim và bơm thuốc vào được.

Thậm chí, các bác sĩ không thể tiến hành gây mê nội khí quản, vì miệng bệnh nhân bị cứng không mở lớn như người bình thường.

Người phụ nữ 20 năm không cúi được người sau mũi tiêm ở phòng mạch - 2

Các bác sĩ căng não tìm cách gây mê, giúp sản phụ vượt cạn (Ảnh: BV).

Chị T. được chuyển tuyến đến Bệnh viện Từ Dũ chiều 30/9 với tình trạng bụng có cơn gò, cổ tử cung mở 1-2 cm, thiểu ối, có tình trạng thiếu oxy máu trong bệnh cảnh thai chậm tăng trưởng trong tử cung.

Ngày 1/10, bác sĩ chuyên khoa 2 Tào Tuấn Kiệt, Trưởng khoa Gây mê hồi sức báo động khẩn cấp về tình trạng của chị T. trong cuộc họp giao ban bệnh viện.

Theo đó, bệnh nhân bị viêm dính cột sống lâu năm, cứng và giới hạn khớp hàm nên không há miệng to, cũng không thể ngửa cổ được nên bất lực trong việc gây tê, gây mê như bình thường. Đây là thách thức lớn cho bác sĩ gây mê trong việc lựa chọn phương pháp vô cảm và quản lý đường thở trong phẫu thuật.

Sau khi thảo luận, cuối cùng các bác sĩ xác định, chỉ còn cách dùng ống soi mềm để đặt ống nội khí quản đường mũi, nhằm kiểm soát hô hấp khi gây mê toàn thân cho bệnh nhân. Nhưng hiện tại, thiết bị này rất ít cơ sở y tế có trang bị.

Sau khi liên hệ nhiều nơi nhưng thất bại, đến sáng 2/10, Bệnh viện Từ Dũ đã mời được Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM cử một ekip chuyên nghiệp và mang theo dụng cụ sang hỗ trợ.

Người phụ nữ 20 năm không cúi được người sau mũi tiêm ở phòng mạch - 3

Con gái chị T. chào đời sau nhiều nỗ lực của bác sĩ hai bệnh viện ở TPHCM (Ảnh: BV).

Quá trình can thiệp, các bác sĩ gây mê và hồi sức của hai bệnh viện xoay trở tư thế người bệnh, chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ chuyên biệt ống soi mềm, để sau đó tiến hành đặt nội khí quản đường mũi thành công, kiểm soát tốt hô hấp và gây mê an toàn cho cuộc mổ.

9h20 ngày 2/10, bé gái con chị T. chào đời với cân nặng 2.450gram, khóc to, hồng hào trong sự vỡ òa sung sướng của ekip điều trị. Chưa đầy 48 tiếng sau, sức khỏe của người mẹ cũng phục hồi, đi lại được và ăn uống bình thường.

Các bác sĩ cho biết, bệnh viêm dính cột sống của chị T. là một rối loạn tự miễn dịch. Nếu không được điều trị đúng cách, viêm dính cột sống có thể dẫn đến các biến chứng như dính khớp và ảnh hưởng các cơ quan khác, làm viêm mắt, xuất hiện vấn đề về tim, phổi và hệ thần kinh.

Viêm cột sống dính khớp không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau và kháng viêm, thuốc sinh học.