Ninh Bình:
Người phụ nữ 2 lần nhận giác mạc hứa tặng lại “ánh sáng” khi qua đời
(Dân trí) - Suốt 20 năm sống trong những lập lòe sáng tối, chưa bao giờ chị Thắm dám nghĩ đến ngày mắt mình sẽ sáng trở lại, mà ánh sáng ấy lại từ những người xa lạ gửi tặng.
Giấc mơ mãnh liệt suốt hơn 20 năm qua của chị Tô Thị Thắm (32 tuổi, xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) là được nhìn thấy ánh sáng giờ đã thành sự thật.
Năm 2001, khi đang học lớp 7, mắt của chị cứ mờ dần mà không rõ nguyên nhân. Đến năm lớp 8 thị lực cả hai mắt giảm rõ rệt, trong đó một mắt chỉ nhìn được 50cm.
Vì không nhìn rõ mọi thứ xung quanh nên chị phải nghỉ học giữa chừng. Mọi giấc mơ và dự định trong cuộc sống dường như tan vỡ, nhường chỗ cho chuỗi ngày sống trong mập mờ sáng tối và những chuyến ngược xuôi tìm đường chữa bệnh.
“Một lần đi khám tại Bệnh viện mắt Trung ương, các bác sĩ kết luận tôi bị bệnh giác mạc chóp. Ở thời điểm đó, đây là căn bệnh khá phức tạp, phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị và khá tốn kém”, chị Thắm nói. Dù thương con nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ chị cũng không đủ kinh phí chữa trị dứt điểm căn bệnh ấy.
Thế rồi mắt chị cứ mờ dại đi, chuỗi ngày trưởng thành của chị cũng nhiều nước mắt, khổ cực và nhạt nhòa như chính đôi mắt chị. Trong hàng vạn điều ước giữa đời thường, cũng có lúc chị ước có một người yêu thương chị thật lòng để chị được làm vợ, làm mẹ nhưng bao người phụ nữ khác. Nhưng những khiếm khuyết trên cơ thể khiến chị trở nên tự ti, khép kín.
Không ngờ trời thương người khổ cực, chị Thắm có được tình yêu với anh Nguyễn Trọng Hùng, người hàng xóm hiền lành, tốt bụng. Rồi anh chị kết hôn, sinh lần lượt hai con trai.
Hàng ngày chị Thắm làm những việc lặt vặt trong nhà và chăm sóc các con dựa vào bản năng của một người mẹ. Còn anh Hùng chăm chỉ làm ăn nuôi gia đình và chắt chiu dành dụm để những mong chữa lành đôi mắt cho vợ.
Năm 2013, anh Hùng đưa vợ lên Bệnh viện Mắt Trung ương khám. Bác sĩ thăm khám cho chị chẩn đoán, đôi mắt ấy vẫn có cơ hội chữa khỏi nếu được ghép giác mạc. Dù biết để được nhận giác mạc từ người hiến tặng rất khó khăn, bởi lẽ phải phù hợp giữa người cho và người nhận, và phụ thuộc vào nguyện vọng của gia đình người hiến tặng. Nhưng vì sự động viên của các bác sĩ và khát khao mãnh liệt được nhìn thấy ánh sáng nên chị Thắm vẫn đăng ký nhận giác mạc thông qua chương trình từ thiện.
May mắn thay, đến giữa năm 2019, chị Thắm được tin có người hiến tặng một giác mạc phù hợp với mắt chị. Ca ghép giác mạc diễn ra sau đó thành công ngoài mong đợi, mắt phải của chị hồi phục thị lực nhanh chóng. Chỉ vài tuần sau, chị có thể nhìn mọi vật xung quanh ở khoảng cách lên tới 2 mét.
Tháng 8/2020, chị Thắm lại tiếp tục nhận được tin vui khi có người hiến giác mạc phù hợp để ghép cho mắt trái. Vậy là chị Thắm thoát cảnh mù lòa. Cả 2 mắt chị đều hồi phục thì lực nhanh chóng và ổn định.
Hơn một tháng thoát cảnh mù lòa, chị Thắm vẫn dưng dưng xúc động khi kể lại những may mắn của cuộc đời mình.
“Những người hiến giác mạc cho tôi như đã sinh ra tôi thêm một lần nữa. Tôi được nhìn thấy trọn vẹn hạnh phúc của mình. Hàng ngày tôi được nhìn thấy những người thân yêu và được làm những công việc có ích cho cuộc sống”, chị Thắm nói rồi vui mừng khoe mới được nhận vào làm cho một công ty may gần nhà với thu nhập ổn định.
“Đó là niềm hạnh phúc mà tôi mơ ước hàng chục năm qua, tôi vô cùng biết ơn những người đã tình nguyện hiến giác mạc, để tôi có thể có cuộc sống may mắn, hạnh phúc như thế này”, chị Thắm nghẹn ngào chia sẻ thêm.
Để tri ân những hành động cao cả ấy, chị Thắm và gia đình cũng tình nguyện hiến tặng lại giác mạc sau khi qua đời. “Tôi mong muốn những người kém may mắn như mình sẽ tìm lại được ánh sáng và sống cuộc sống ý nghĩa hơn”, chị Thắm nói.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình cho biết, trường hợp của chị Tô Thị Thắm là một người may mắn đã được nhận đôi giác mạc của hai người. Đến nay chị Thắm đã sáng mắt 5/10, trở lại sinh hoạt cuộc sống bình thường và tham gia sản xuất ở công ty may.
“Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã vận động được 380 người hiến giác mạc và 2 người hiến mô tạng, gần như phong trào hiến giác mạc đều phát triển tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh”, ông Kỳ chia sẻ.