Cúm A/H1N1 “tấn công” Trường Nguyễn Khuyến:

Người ở lại lo lắng, kẻ ra về chủ quan

Theo chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ngay trong ngày, trường Nguyễn Khuyến phải giải phóng hơn 2.200 học sinh, những trường hợp tiếp xúc gần và sốt thì phải ở lại trường để cách ly. Tuy nhiên, dù quy định là phải theo đúng chuyên môn nhưng thực tế thì “mạnh ai nấy đi”.

Giải phóng 2.000 người trong một buổi

 

Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy cả học sinh L. và thầy, cô giáo Trường Nguyễn Khuyến có quan hệ bắc cầu liên thông với ổ dịch Trường Ngô Thời Nhiệm (quận 9). Sở Y tế đã lập một bệnh viện dã chiến ngay tại trường với đầy đủ bác sĩ, điều dưỡng, xe cấp cứu và trang thiết bị cần thiết.

 

Theo chỉ đạo của giám đốc Sở Y tế, ngay trong ngày, nhà trường phải giải phóng hơn 2.200 em học sinh rời khỏi trường về nhà hoặc đưa sang khu khác (2.000 em ở tỉnh và 200 em ở TP), những trường hợp tiếp xúc gần và sốt thì phải ở lại trường để cách ly. Tuy nhiên, việc đưa đi phải tính toán đúng chuyên môn vì có thể tất cả các em đều có khả năng đã mang mầm bệnh.

 

Xe đưa đón các em về gia đình phải được khử khuẩn, sát trùng. Các em trước khi được đưa về nhà phải được tư vấn hướng dẫn cách ly tại nhà. Nhà trường phải cung cấp tên, địa chỉ, số điện thoại của tất cả học sinh để Sở báo về Bộ Y tế để yêu cầu các tỉnh, thành giám sát khi các em trở về. Riêng giáo viên, cán bộ của trường cũng phải tự cách ly tại nhà.

 

Ông Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Khuyến, cho biết sẽ giải quyết cho các em về hết trong ngày. Tuy nhiên, lượng học sinh quá đông, một số em ở xa sẽ về không kịp nên xin hoãn một, hai ngày nữa. Những em gia đình không đến đón thì nhà trường sẽ cho về bằng xe tập trung.

 

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết sẽ yêu cầu tất cả những cơ sở giáo dục có khu nội trú phải đóng cửa đến ngày 15/8, sau đó tùy tình hình mới cho tập trung trở lại để khai giảng năm học mới.

 

Học sinh vừa hoang mang vừa chủ quan

 

Sau khi được thông báo trong trường có bạn nhiễm cúm A/H1N1, nhiều học sinh Trường Nguyễn Khuyến tỏ ra hoang mang. Chiếc máy điện thoại bằng tiền xu của trường hôm qua đông đặc học sinh chờ gọi về gia đình.

Người ở lại lo lắng, kẻ ra về chủ quan - 1

Học sinh chen nhau chờ gọi điện thoại cho người thân...
Trong khi đó, các học sinh bị sốt phía trong khu vực cách ly tỏ ra rất buồn tủi. Nhìn các bạn phía ngoài sân trường kéo đi ăn cơm rồi chuẩn bị hành lý về quê, có em đã khóc. Các em lo lắng không biết mình có bị nhiễm bệnh hay không, mà nếu bị thì phải ở đây bao lâu. 
Người ở lại lo lắng, kẻ ra về chủ quan - 2

Em Khánh Vân (lớp 11E3) được cha cùng em trai từ Bình Phước đón về nhưng phải nán lại vì em bị cách ly
 
“Cháu mới bị sốt và ho mới sáng nay nên được đưa vào khu cách ly của trường. Cháu lo lắng lắm, không biết mình có mắc bệnh hay không”, em Kiều Nga, học sinh lớp 10 (quê Bình Phước), nói với PV qua song sắt của khu cách ly.

Người ở lại lo lắng, kẻ ra về chủ quan - 3

Những học sinh phải cách ly thì tỏ ra lo lắng, hoang mang vì không biết mình có bị nhiễm cúm A/H1N1 không
 

Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ học sinh tỏ ra thích thú vì được... nghỉ học. Nhiều em tỏ ra khá chủ quan, không mang khẩu trang mặc dù đã có cảnh báo.

 

Một cuộc giải phóng... quá ẩu

 

Bắt đầu từ trưa qua, một cuộc giải phóng 2.000 học sinh ở các tỉnh diễn ra một cách rầm rộ. Theo chỉ đạo của Sở Y tế và ban giám hiệu nhà trường cũng đã hứa là giải phóng tập trung, xe đưa rước đàng hoàng và xe phải được khử khuẩn để tránh lây lan ra cộng đồng (nếu có học sinh nhiễm bệnh - PV).

 

Người ở lại lo lắng, kẻ ra về chủ quan - 4

Trong khi đó, những học sinh còn lại mạnh ai nấy cuốn chiếu về nhà...

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, hầu hết các học sinh còn lại khi được lệnh nghỉ học về nhà thì... mạnh ai nấy đi. Một cuộc giải phóng học sinh nói chung là quá ẩu. Nhiều học sinh sau khi ra khỏi cổng trường đã quăng hẳn khẩu trang, đón xe ôm, xe buýt, taxi để ra các bến tàu xe trở về quê.

 

Người ở lại lo lắng, kẻ ra về chủ quan - 5

... chen chúc nhau gây tắc nghẽn cả 1 đoạn đường

Một tài xế tuyến đường Sài Gòn - Bình Thuận phản ánh cho Pháp Luật TP.HCM biết rằng có một học sinh đang đi trên xe anh ta không mang khẩu trang, xe vẫn mở máy lạnh. Khi biết học sinh này về từ Trường tư thục Nguyễn Khuyến thì xe đã gần đến nhà.

 

Cuộc giải phóng học sinh quá ồ ạt này là cơ hội cho cánh xe ôm kiếm thêm bộn tiền. Giá một chuyến từ trường này ra Bến xe Miền Đông là 80 ngàn đồng, gấp đôi ngày thường. Chúng tôi hỏi một anh xe ôm là “Không sợ cúm à?”. Anh này đáp tỉnh rụi: “Sợ gì!”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là việc giải phóng các em không mang tính khoa học của nhà trường. Nếu trong vài ngày tới có học sinh về tỉnh nhiễm cúm A/H1N1 thì không biết cộng đồng lúc này có bao nhiêu người nhiễm và trách nhiệm sẽ thuộc về ai.

 
Dịch cúm A/H1N1: Ghi nhận tại 2 điểm trường 
 

Ngày 24/7, tại 2 điểm trường Kumon và Nguyễn Khuyến, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế TP HCM, ban giám hiệu nhà trường đã khẩn trương tiến hành nhiều biện pháp để phòng ngừa dịch cúm H1N1 có nguy cơ lây lan.

 

Tại trường Kumon, ngay trong ngày 24/7, lãnh đạo nhà trường đã ra thông báo ngưng mọi hoạt động giảng dạy sau khi phát hiện một học sinh của trường bị cúm sau khi trở về cùng gia đình sau chuyến du lịch một tuần ở nước ngoài. Nhà trường cũng thông báo, hiện sức khỏe của học sinh này đã tiến triển tốt và đang tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện. Em học sinh này đã vắng 1 tuần học nên không có nguy cơ lây nhiễm. Dự kiến, nhà trường đóng cửa 10 ngày.

 

Có mặt tại trường vào chiều ngày 24/7, chúng tôi nhận thấy, các cán bộ, giáo viên của nhà trường đang tiến hành phân câu hỏi, bài tập để học sinh tự làm tại nhà. Chị Phan Xuân Yến (ngụ Phú Nhuận) cho biết, chị đã gửi con gái (5 tuổi) và cháu trai (7 tuổi) học tại Kumon được hơn 3 tháng qua. Trước thông tin dịch cúm, chị đã đưa con, cháu về ở nhà. “Tôi thấy cách cháu cũng vui chơi, đùa giỡn và học tập bình thường khi ở nhà nên cũng thấy an tâm. Nghe lời hướng dẫn của nhà trường, các cháu cũng tự ý thức được việc rửa tay chân trước khi ăn”.

 

Chị Nguyễn Minh Mai Thư (nhà ở đường Nguyễn Thượng Hiền, Phú Nhuận) có con trai đang học ở Kumon cho biết: “Nhà trường luôn có những thông tin phản hồi kịp thời đến phụ huynh nên chúng tôi cũng thấy an tâm. Để tăng sức đề kháng cho cháu, trong thực đơn mỗi ngày, tôi cho các cháu uống nước cam, nước chanh nhiều hơn”.  

Tại điểm trường Nguyễn Khuyến, ngày 23/7, gần 2.000 học sinh cũng đã ra về một cách lộn xộn, tự phát do cách trả học sinh thiếu khoa học của nhà trường. Những học sinh còn lại được tập trung cách ly trong một “bệnh viện dã chiến” ngay tại trường. Chiều ngày 24/7, tại bệnh viện dã chiến này, không còn cảnh nhôn nháo của phụ huynh đến đón con.

Công Quang

Theo Duy Tính

PL TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm