1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người nghiện thuốc lá có thể cai nghiện tại bệnh viện

(Dân trí) - Lâu nay, người nghiện thuốc lá muốn cai nghiện thường tự một mình “vật lộn, quyết tâm” với sự hỗ trợ của gia đình. Tuy nhiên, từ nay, người cai nghiện thuốc lá có thể được tư vấn, hỗ trợ tại BV để việc cai nghiện đạt được hiệu quả, thành công hơn.

 

Người nghiện thuốc lá muốn cai nghiện sẽ được tư vấn miễn phí. Ảnh: Thế Anh
Người nghiện thuốc lá muốn cai nghiện sẽ được tư vấn miễn phí. Ảnh: Thế Anh

Sáng 16/9, lần đầu tiên Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá của Bộ Y tế tổ chức ra mắt Phòng tư vấn và Tổng đài tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá đặt tại BV Bạch Mai, Hà Nội.

Theo PGS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm hô hấp (BV Bạch Mai), rất nhiều người nghiện thuốc lá mong muốn cai nghiện tuy nhiên rất nhiều người thất bại, bởi trong thuốc lá có chất gây nghiện nicotin, làm con người ta phụ thuộc vào việc hút thuốc. Vì thế, để cai nghiện được, người hút thuốc lá cần có sự tư vấn chuyên sâu, hỗ trợ mới có thể cai được thuốc lá, giúp tỉ lệ cai thành công lớn hơn là họ tự cai.

Phòng tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá được đặt tại phòng 204, khoa Khám bệnh và tại tầng 6 -Trung tâm hô hấp của Bệnh viện Bạch Mai. Người muốn cai nghiện thuốc lá có thể gọi điện đến tổng đài 18006606 (thời gian làm việc từ 8 - 22 giờ các ngày trong tuần cả thứ 7, chủ nhật, trừ các ngày nghỉ lễ) để được tư vấn hoàn toàn miễn phí. Hoặc người nghiện thuốc có thể đến đến phòng khám chuyên khoa hô hấp tầng 6 Trung tâm hô hấp hoặc phòng 204 khoa Khám bệnh để khám và tư vấn.

PGS Châu cho biết, tác hại của thuốc lá đã được thế giới chỉ ra. Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác nhau như ung thư phổi, bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn, vô sinh....và gây nên cái chết của 40.000 người Việt mỗi năm. Thế nhưng, đa phần những người hút thuốc lá vẫn mơ hồ về tác hại thực của nó.

“Nói nôm na, hút thuốc lá chủ động động (người hút) và hút thuốc lá thụ động (người không hút nhưng phải ngửi khói thuốc) có thể gây nhiều bệnh trên cơ thể, từ đầu đến chân như bệnh lý tắc mạch máu não, tim, phổi, tắc mạch hoại tử chi… Riêng trong bệnh lý hô hấp có 3 bệnh thường gặp nhiều nhất liên quan đến thuốc là là ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản. Trong đó bệnh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì tới 80 – 90% là do thuốc lá gây ra”, PGS Châu nói.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, việc được hỗ trợ, tư vấn cai nghiện sẽ giúp người cai nghiện có thêm động lực, quyết tâm để bỏ thuốc lá.  Các nghiên cứu mới nhất trên thế giới cho thấy, nhân viên y tế cũng như hệ thống y tế có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với người hút thuốc lá vì ít nhất 70% số người hút thuốc lá có khám sức khỏe hàng năm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lời khuyên cai thuốc lá từ nhân viên y tế được xem là động lực quan trọng giúp người nghiện thuốc lá cai nghiện.

“Việc được bác sĩ tư vấn, chỉ ra, bác đang bị hen phế quản, hút hoặc ngửi phải thuốc lá làm tăng nguy cơ tái phát cơn hen. Hay đang nhiễm trùng phổi, hút thuốc vào thì sẽ lâu lành tổn thương… sẽ  giúp người bệnh “thức tỉnh” hơn so với lời khuyên của các thành viên trong gia đình. Đã có những ông bố có con bị lên cơn hen thường xuyên dù bé vẫn được dùng thuốc dự phòng, khi hỏi ra biết bố hút thuốc, chúng tôi nói những điều này với bố, ông bố kiểm chứng bằng cách không hút thuốc trong nhà, bé giảm tần suất xuất hiện cơn hen nên giúp người bố nhận ra sự nguy hại thực sự của khói thuốc lá”, một bác sĩ BV Bạch Mai cho biết.

Hiện trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá, trong đó 25% số người trưởng thành nghiện thuốc lá và 84% số người hút thuốc lá sống tại các nước phát triển. Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá hàng đầu thế giới. Ước tính 47,4% nam giới và 1,4% nữ giới ở tuổi trưởng thành ở nước ta hút thuốc lá. Trong đó, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá ngày càng có xu hướng trẻ hóa với 21,6% nam 16-24 tuổi hút thuốc; 17% học sinh nam thử hút thuốc lá trước 10 tuổi

Hồng Hải