1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người mẩn mê cây thuốc nam

(Dân trí) - Hơn 10 năm nay, dấu chân của lương y Trần Đình Niên đã in trên mọi miền của dải đất hình chữ S để tìm những dược liệu quý và biến vườn nhà ông thành vườn sưu tập cây thuốc nam, dùng chữa bệnh cho người.

Lặn lội khắp nơi tìm cây thuốc quý

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ ông Trần Đình Niên (sinh 1954, trú Đà Nẵng) đã phải đi ở đợ cho một tiệm thuốc của người Hoa. Với quyết tâm và sự sáng dạ, ông đã hỏi lỏm được nhiều bài thuốc Đông y để chữa bệnh cho mẹ mình. Từ đó ông hoàn toàn tin tưởng sự kỳ diệu của Đông y và chuyên tâm vào học hỏi nghề y học cổ truyền.

vuon thuoc cua luong y tran dinh nien co khoang 120 loại cay.JPG

Vườn thuốc nam của lương y Trần Đình Niên có khoảng 120 loại cây

 

Lớn lên, với những kiến thức học được, ông được phân công công tác tại một bệnh viện. Tuy nhiên, làm việc được một thời gian, ông thấy bản thân mình không phù hợp trong môi trường này nên xin nghỉ về mở phòng khám Đông Y Vạn Phát Đường.

Nhớ lại lúc nhỏ, mỗi khi đau ốm, ông được người ta dùng cây thuốc nam cứu chữa nên ông rất trân quý những cây thuốc này. Ông luôn ấp ủ, mong muốn có thể sưu tầm và xây dựng cho mình một vườn thuốc nam, nhưng mãi đến năm 2008, khi cuộc sống ổn định ông mới thực hiện.

luong y tran dinh nien gioi thieu ve mot cay thuoc.JPG

Lương y Trần Đình Niên giới thiệu về những cây thuốc nam trong vườn mình

Sau khi mua được miếng đất rộng 400m2 ở quận Cẩm Lệ, ông Niên bắt đầu đi sưu tầm cây thuốc nam. Cứ nghe thông tin ở đâu có cây thuốc chữa bệnh là ông cất công đi tìm hoặc cứ đến nhà ai thấy họ trồng cây gì ông cũng hỏi.

Những năm qua, lương y Trần Đình Niên đã đi khắp mọi miền đất nước để sưu tầm những cây thuốc bản địa và những bài thuốc gần như tuyệt chủng.

Cây thuốc đầu tiên ông đưa về đó là cây răng cưa chữa bệnh đái tháo đường.

luong y tran dinh nien.JPG

Bao nhiêu năm nay, lương y Trần Đình Niên lặn lội khắp nơi tìm những cây thuốc nam để chữa bệnh cho người dân

“Việc tìm ra cây răng cưa cũng rất vô tình. Năm đó, khu vực sân bay giải tỏa, một người bạn gọi điện báo có nhiều nhà nhổ cây vứt bỏ, bảo tôi đến xem có tìm được cây gì cần không. Tôi đến nhà nọ, hỏi chủ nhà đây là cây gì thì được họ cho biết là cây răng cưa có thể chữa được bệnh đái đường. Tôi hỏi mua nhưng họ cho luôn”, lương y Trần Đình Niên nhớ lại.

Cũng có khi, ông phải đi rất xa, như ra tận Hòa Bình để có được cây xạ đen chữa ung thư. Lần đó, ông lên Đắk Lắk thấy họ trồng, hỏi ra thì biết được đây là cây xạ đen chữa ung thư. Ông về đọc sách, được biết loại cây này trồng nhiều ở Hòa Bình nên lặn lội ra tận nơi kiếm một cây mang về bổ sung vào vườn cây nhà mình.

Nghe đồn ở Khánh Hòa có cây xáo tam phân, ông vô trong đó ăn ở ba ngày để tìm kiếm cây thuốc quý này. Ông cũng vô tận một ngôi chùa trong Sóc Trăng khi nghe ở đây có cây ngải chữa viêm đại tràng.

Hiện, ngoài vườn cây thuốc ở quận Cẩm Lệ, ông Niên còn trồng thêm một vườn ở huyện Hòa Vang với hơn 1.000m2. Cả hai vườn của ông có khoảng hơn 120 loại cây thuốc nam, trong đó có những cây như trắc bách diệp dùng để chữa ho, đơn lá đỏ chữ dị ứng, cây lá khôn chữa dạ dày, cây mận rú chữa phù thận, lộc mại chữa táo bón...

Đối với lương y Trần Đình Niên, ông không có khái niệm về cây thuốc quý, chỉ cần chữa được bệnh thì mọi cây thuốc đều có giá trị như nhau.

Bán đất lấy tiền mua sách

Không bao giờ hài lòng với bản thân, lương y Trần Đình Niên luôn không ngừng nghiên cứu và học hỏi. Vì thế, ông thường để dành tiền mua sách. Hiện ông sở hữu tủ sách hơn 400 đầu sách, trong đó chủ yếu sách y học và Hán văn.

Lương y Trần Đình Niên chia sẻ: “Năm 1982, tôi bán mảnh đất với số tiền 10.500 đồng. Tôi dành số tiền 10.000 đồng để mua bộ sáchh Trung Quốc Y học đại từ điển. Với tôi, bỏ tiền để mua kiến thức thì không bao giờ tiếc".

Ngoài ra, lương y Trần Đình Niên còn thường xuyên chữa miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

tu sach cua luong y tran dinh nien.JPG

Lương y Trần Đình Niên sở hữu 400 đầu sách, trong đó chủ yếu là sách y học và Hán văn

Những năm qua, cuối tuần nào ông và các thành viên trong gia đình cũng đến chùa Hưng Quang (ở huyện Hòa Vang) để chữa bênh cho người nghèo. Tuy nhiên, hiện nay, chùa đang sửa chữa nên lương y đang tạm dừng công việc này.

Hay có những bệnh nhân đến khám bệnh, sau khi biết hoàn cảnh của họ rất khó khăn, lương y không lấy tiền. Thậm chí, có những trường hợp, ông phải đi hàng chục cây số đến tận nhà chữa bệnh cho họ nhiều lần nhưng ông cũng không lấy của họ một đồng nào.

Khánh Hồng - Phạm Lan