Người mắc bệnh tăng huyết áp đang trẻ hóa

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, anh L.V.K (sinh năm 1988) chia sẻ, mới 35 tuổi, nhưng anh đã phải 12 năm gắn bó với chạy thận nhân tạo. Nhìn gương mặt sạm đen, gầy gò, nhiều người có thể lầm tưởng anh đã 45-50 tuổi.

Suy thận vì chủ quan với tăng huyết áp

Anh K kể, năm 18 tuổi, khi đi khám nghĩa vụ quân sự, sức khỏe anh không đạt vì bác sĩ bảo bị tăng huyết áp. Nhưng với độ tuổi thanh niên trẻ khỏe, anh không thấy bệnh ảnh hưởng gì tới sức khỏe nên không đi khám.

Sau đó 5 năm, anh thường xuyên bị đau đầu, đi khám bác sĩ cho hay, anh bị suy thận độ 3, mỗi tuần phải đến bệnh viện chạy thận 3 lần. Đến nay, anh đã trải qua 12 năm chạy thận.

"Phải đến khi đi khám, tôi mới biết căn bệnh cao huyết áp đã tàn phá thận. Nếu hiểu về căn bệnh này sớm hơn, tôi đã không bị suy thận, phải lọc máu định kỳ", anh K nói.

Người mắc bệnh tăng huyết áp đang trẻ hóa - 1
Hoạt động hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát huyết áp tại Bệnh viện Đa Khoa Nông Nghiệp Hà Nội (Ảnh: Ngaydautien.vn).

Bác sĩ Tống Lê Văn, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, bệnh viện vừa đưa góc "Ngày đầu tiên" vào hoạt động hôm 17/5, đặt tại khoa Khám bệnh, bệnh nhân đi qua có thể nhìn thấy, vào tư vấn, đo huyết áp, tầm soát sớm căn bệnh nguy hiểm này.

Tăng huyết áp có thể gây biến chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong. Việc không có dấu hiệu hay triệu chứng cảnh báo dễ dẫn tới tâm lý chủ quan của bệnh nhân khi điều trị.

Theo một phân tích gồm 95 nghiên cứu cho thấy, có tới 50% bệnh nhân tăng huyết áp bỏ điều trị sau 1 năm.

Dấu hiệu thầm lặng, có chiều hướng trẻ hóa

ThS.BS Tạ Xuân Trường, Trưởng khoa Nội tim mạch - Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, tăng huyết áp vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với hơn 11 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, điều tra về tăng huyết áp của Viện Tim mạch Quốc gia cho thấy, 25% người Việt trưởng thành bị căn bệnh này, có nơi cá biệt tỷ lệ lên tới 47%.

Người mắc bệnh tăng huyết áp đang trẻ hóa - 2

Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ, bác sĩ Tống Lê Văn - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: Ngaydautien.vn).

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, đơn vị quản lý 5.000 bệnh nhân tăng huyết áp, trong đó, tỷ lệ bệnh gặp ở người trẻ có chiều hướng tăng.

"Đây là căn bệnh gặp ở người già, thường trên 60 tuổi, giờ các bệnh nhân 40 tuổi, hoặc 25-30 tuổi đã bị tăng huyết áp. Thống kê sơ bộ 2019 tại bệnh viện cho thấy, khoảng 30% là bệnh nhân dưới 60 tuổi. Hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng, chủ yếu tình cờ phát hiện bệnh. Một số ít bệnh nhân có triệu chứng đau đầu, mờ mắt, tức ngực", bác sĩ Trường nói.

Cần uống thuốc "chuẩn 3Đ"

Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam cùng với dự án "Ngày đầu tiên" phát động chương trình Tháng kiểm soát huyết áp toàn diện với thông điệp: "Bệnh nhân tăng huyết áp cần nhớ uống thuốc chuẩn 3Đ: đúng thuốc, đủ liều, đều mỗi ngày".

Bác sĩ Trường cho biết, nhiều bệnh nhân, nhất là người trẻ chủ quan với bệnh tăng huyết áp. Vì bệnh chưa gây biểu hiện khó chịu nên nhiều người bỏ thuốc hoặc dùng vài ba tháng thấy ổn, nghĩ bệnh khỏi đã bỏ thuốc và không đi khám lại.

"Nhiều người trong số đó phải quay lại viện cấp cứu vì tình trạng tăng huyết áp, có người chảy máu não", bác sĩ Trường cho hay.

Theo đó, bác sĩ Trường khuyến cáo mỗi người nên hoạt động thể lực 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần; hạn chế ăn đồ ăn nhanh, nhiều chất béo; giảm uống bia rượu, hút thuốc lá… để phòng ngừa căn bệnh tăng huyết áp.

Bác sĩ Trường cho biết thêm, bệnh viện thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp tầm soát tăng huyết áp ở cộng đồng… Với những bệnh nhân hay quên thuốc, bỏ thuốc, nhóm bác sĩ thường xuyên gọi điện, nhắn tin nhắc nhở… Hiện nay, với ứng dụng Elfie có thể thay thế bác sĩ, người thân nhắc người bệnh uống thuốc.

Người mắc bệnh tăng huyết áp đang trẻ hóa - 3
Quét mã tải ứng dụng Elfie (Ảnh: Ngaydautien.vn).

" Ứng dụng Elfie là giải pháp đồng hành, giúp bệnh nhân tự theo dõi huyết áp, các chỉ số sức khỏe tại nhà; có tính năng nhắc nhớ người bệnh tuân thủ uống thuốc điều trị đúng giờ", đại diện dự án "Ngày đầu tiên" chia sẻ.

Theo đó, bệnh nhân có thể tự nhập và lưu các chỉ số huyết áp, chỉ số sức khỏe khác, lưu lịch sử uống thuốc, luyện tập, dễ dàng chia sẻ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe khi đi tái khám. Từ đó, bác sĩ đánh giá được việc tuân thủ điều trị của người bệnh có tốt không.

Tại Việt Nam, phân hội Tăng huyết áp Việt Nam phối hợp cùng dự án "Ngày đầu tiên" tổ chức hằng năm các hoạt động tầm soát huyết áp trên phạm vi cả nước từ 2018 đến nay để hưởng ứng Ngày Tăng huyết áp thế giới 17/5.

Ban tổ chức cho biết, chương trình Tháng Kiểm soát huyết áp toàn diện diễn ra từ ngày 8/5 đến 30/6/2023 với nhiều hoạt động trên toàn quốc nhằm nâng cao nhận thức về bệnh tăng huyết áp.

Sự kiện giúp nhiều người tiếp cận thông tin chính thống và thông tin liên quan về bệnh tăng huyết áp trên các kênh truyền thông của dự án "Ngày đầu tiên"; đo huyết áp miễn phí, tư vấn bệnh nhân tại các trung tâm y tế, bệnh viện trên cả nước.

Chương trình triển khai mô hình kiểm soát huyết áp toàn diện tại 5 bệnh viện ở Hà Nội: Bệnh viện Đa khoa Mê Linh, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, Bệnh viện Giao thông vận tải, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.