Người mắc bệnh lao có cơ hội khỏi bệnh nếu tuân thủ phác đồ điều trị
(Dân trí) - Hiện nay bệnh lao không còn là bệnh nan y nữa, mà là căn bệnh có thể chữa khỏi hoàn nếu người bệnh tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị dẫn đến tình trạng lao đa kháng thuốc.
Mới đây tại TP Cần Thơ, chương trình Chống lao quốc gia phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức hội nghị giao ban sơ kết hoạt động Dự án phòng chống lao 6 tháng đầu năm 2016 và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2016 khu vực phía Nam.
Theo đánh giá của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 14 trong 30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới, đồng thời đứng thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2016, ở nước ta số bệnh nhân lao các thể có xu hướng tăng nhẹ nhưng không đáng kể; nhưng số bệnh nhân lao phổi AFB (Trực khuẩn kháng cồn kháng toan) dương tính mới lại giảm mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện trên toàn quốc là gần 50.500 bệnh nhân; trong đó, có gần 25.000 bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới chiếm 49,2%. Một số tỉnh phát hiện bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới tăng trên 20% so với cùng kỳ như: Lai Châu (71,4%), Gia Lai (tăng 16,3%), Bắc Ninh (tăng 27,7%) và Bạc Liêu (27,8%).
Còn theo báo cáo của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, đơn vị tiếp nhận điều trị và quản lý cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc thuộc 7 tỉnh ĐBSCL. Tại đây, tỷ lệ điều trị thành công lao đa kháng thuốc khoảng trên 60%; tỷ lệ thất bại điều trị khoảng 26%.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết: Tình trạng lao đa kháng thuốc, chủ yếu được xác định là do người bệnh điều trị không đúng, không đủ, không tuân thủ chỉ định của bác sĩ…
Với bệnh nhân lao đã được chẩn đoán mà không được điều trị thì 50% sẽ tử vong trong vòng 5 năm. Nhưng nếu được điều trị đúng thì tỷ lệ khỏi ở nhóm bệnh nhân không kháng thuốc lên tới 92%; ở nhóm bệnh nhân đa kháng thuốc là 70%. “Song song với việc đảm bảo chất lượng quản lý và giảm tỷ lệ bỏ điều trị hiện nay, ngành y tế cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân. Việc người bệnh được chữa khỏi là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của họ, không để lây lan cho cộng đồng”- ông Nhung nói.
Phạm Tâm