Người lao động “chết mòn” vì những bữa ăn rẻ mạt

(Dân trí) - Công nhân là đối tượng hứng trọn 5 vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay. Bữa ăn rẻ mạt dẫn tới những vụ ngộ độc cấp tính, nhưng nguy hiểm hơn là tình trạng ngộ độc mãn tính đang khiến người lao động “chết mòn”.

Thực phẩm không an toàn là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh nguy hiểm cho con người thậm chí tác động tiêu cực đến giống nòi. Ở những quốc gia đang phát triển ước tính mỗi năm có khoảng 1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra gây tử vong cho hàng triệu người trong đó chủ yếu là trẻ em.

Cơn bão giá khiến giá thực phẩm tăng vọt nhưng theo ghi nhận của Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thành phố “ở một số nơi” vẫn còn những suất ăn cho công nhân có mức giá 7.000 đồng. Số tiền này đã bao gồm VAT, công nấu, công vận chuyển… Vậy khoản lợi nhuận cho đơn vị cung cấp suất ăn từ đâu mà có?    

Bữa ăn rẻ mạt đang đầu độc người lao động
Bữa ăn rẻ mạt đang đầu độc người lao động

Trên thực tế, những cơ sở cung cấp suất ăn rẻ mạt này đang lựa chọn loại nguyên liệu “rau già, cá ươn, thịt bốc mùi…”. Năm 2011, khi nhiều vụ ngộ độc tập thể do histamin trong cá ngừ xảy ra, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra chợ đầu mối thủy sản Bình Điền. Đối chứng giữa tiểu thương và người làm bếp của một công ty trong khu Chế xuất Tân Thuận quận 7 cho thấy, người này thường xuyên đến mua cá ngừ vỡ bụng gãy đầu “về nuôi cá sấu” nhưng thực tế là chế biến cho công nhân ăn.

Theo thống kê mỗi ngày trên địa bàn thành phố hiện có gần 4 triệu người lao động sử dụng suất ăn dưới các hình thức như: Bếp ăn tập thể, nhận suất ăn sẵn, ăn tại các hàng quán, cửa hàng ăn… Trong khi đó lực lượng kiểm tra, giám sát thuộc các đơn vị chức năng chỉ “đếm trên đầu ngón tay” và không phải lúc nào cũng “kiểm tra, giám sát”. Theo quan điểm của ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP thành phố thì: “ngộ độc thực phẩm là chuyện hên xui”.

Hiện Chi cục VSATTP thành phố đang thực hiện việc thành kiểm tra theo hình thức lập các đoàn thanh tra và tiến hành kiểm tra theo đợt có thông báo trước. Một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế công cộng nhận định cách làm trên chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này” giúp những cơ sở vi phạm chuẩn bị đủ điều kiện để đối phó. Năm 2011 cách làm của Chi cục VSATTP đã từng 2 lần bị phản tác dụng. Vừa kết thúc tháng hành động VSATTP trong tháng 5 thì tháng 6 đã xảy ra liên tiếp 4 vụ ngộ độc; 3 vụ ngộ độc tập thể khác ở công nhân cũng xảy ra vào cuối năm 2011 khi việc thanh kiểm tra tập trung vào các mặt hàng phục vụ tết.

Cảnh nhếch nhác tại một cơ sở chế biến suất ăn sẵn trên địa bàn quận 3
Cảnh nhếch nhác tại một cơ sở chế biến suất ăn sẵn trên địa bàn quận 3

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi Cục VSATTP thành phố cho biết, từ đầu năm 2012 tới nay toàn thành phố đã xảy ra 5 vụ ngộ độc tại 8 công ty. Bình quân mỗi vụ có tới 116 người phải nhập viện trong khi đó số người ngộ độc tính bình quân mỗi vụ của năm 2011 chỉ hơn 90 người. Điều đó cho thấy quy mô và mức độ nguy hiểm của mỗi vụ ngộ độc đang diễn biến khó lượng hơn. Trong 5 vụ ngộ độc kể trên có tới 3 vụ do vi sinh vật Ecoli gây ra 1 vụ nghi ngờ do histamin trong cá ngừ vụ còn lại chưa xác định được nguyên nhân.

Bữa ăn kém chất lượng từ nguồn thực phẩm mất an toàn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngộ độc cấp tính. Song ngộ độc cấp tính mới chỉ là phần nổi của tác hại do thực phẩm “bẩn” gây ra, những người lao động đang phải gành chịu tình trạng ngộ độc mãn tính dẫn đến những chứng bệnh nguy hiểm ảnh hưởng lâu dài cho sức khỏe mới là con số đáng sợ.

Vân Sơn