Người Hà Nội đang ăn nhiều thịt gà Trung Quốc
Chợ gà Hà Vĩ (huyện Thường Tín) được mệnh danh là “kinh đô” gia cầm, khu vực phía Bắc, chuyên cung cấp tất cả các loại gà cho thương lái mang về chợ trong nội thành bán lẻ. Điều đặc biệt tại chợ này là nhiều lán gà “made in China”.
Gà Trung Quốc được lái buôn thích hơn vì dễ bán
Trạm kiểm dịch để “làm cảnh”
Như thường lệ, chợ gà Hà Vĩ làm việc từ 3-8h sáng hàng ngày, là chợ đầu mối chuyên cung cấp các loại gà, vịt, ngan… Hàng được chuyển từ tất cả các nơi về. Góp phần làm cho chợ gà Hà Vĩ thêm phong phú hơn là những lều gà được đưa từ Trung Quốc sang.
Theo những người buôn bán ở đây, về xuất xứ của gà được chia làm hai loại gồm: Gà Trung Quốc được các đầu nậu chở từ Móng Cái, Quảng Ninh về, còn loại nữa là gà được gọi chung là gà ta do các hộ tự thu gom từ nhiều đầu mối ở các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hưng Yên…
Một cán bộ xã Lê Lợi, huyện Thường Tín cho biết: Tính sơ qua thì cả thôn Hà Vĩ có tới hơn 600 hộ buôn bán về gà, vịt. Phần lớn họ đều tự tìm nguồn mua vào và bán ra.
Chúng tôi đi dạo quanh một vòng chợ Hà Vĩ, cảm nhận được mùi hôi đặc quánh của lông gà, lông vịt với phân, và mùi những con gà bị chết quá lâu được vứt ngay cạnh con mương để chờ tự phân hủy. Khi đó khoảng 8 giờ sáng nhưng không khí mua bán vẫn còn khá tấp nập, ô tô, xe máy nườm nượp chở gà rẽ ra quốc lộ 1A và theo hướng tiến thẳng về thủ đô.
Thấp thoáng ngay đầu chợ là một trạm kiểm soát của Chi Cục Thú y nhưng duy nhất chỉ có một cán bộ đang ngồi nghe đài.
Anh H., chủ của một lều gà cho biết “Chi cục thú y chỉ kiểm tra qua qua, nếu có giấy tờ là được, còn việc xác định con gà chết, gà ốm thì cứ qua cửa vô tư, riêng gà Trung Quốc cứ xe đến là được đưa xuống lán luôn vì chất lượng đã được "OK" hết”.
Theo ông Nguyễn Xuân Vui, Phó chi Cục trưởng Chi cục thú ý Hà Nội, việc đồn thổi của những người buôn bán như vậy là không chính thống, mỗi ngày chợ gà Hà Vĩ có khoảng 10 nghìn con gà, công tác kiểm dịch vẫn được tiến hành sít sao nhưng trong thời gian này, Chi cục đang cho xây dựng mở rộng chốt nên người ngoài nhìn vào hơi hỗn độn.
Tại Hà Vĩ, Chi cục luôn có cán bộ theo dõi 24/24, được chia làm 2 luồng quản lý, một là trực tiếp tại mỗi hộ gia đình giết mổ, hai là tại ngay chợ bán gà sống. Mỗi con gà đều được kiểm dịch và đưa hóa đơn đỏ, sau đó mới được xuất ra các chợ.
Gà “made in China” dai và ngon hơn gà ta
Anh Th, với biệt danh “gà Trung Quốc” - một người bán hàng tại chợ đầu mối Hà Vĩ tiết lộ: phần lớn gà được đưa về chợ này là gà Trung Quốc, sau đó được các lái buôn lấy chuyển lên Hà Nội giết mổ hoặc được chính những lò mổ thủ công trong từng hộ gia đình giết.
Những con gà này nguồn gốc ra sao chỉ có người bán hàng và người mua hàng biết, còn người tiêu dùng khó phát hiện. Anh Th. thành thật thú nhận, những con gà này sẽ được gọi là gà mía, gà tre để dễ bán chứ “khoe” gà Trung Quốc, ai dám ăn. Người ta sợ hàng Trung Quốc là vậy chứ gà ta hay gà Trung Quốc có khác gì nhau?
Cùng góp chuyện với anh B, chị V. vừa cân gà vừa nói: “Gà ta bây giờ cũng khan lắm đấy, mà gà mình nuôi công nghiệp là gà Tam hoàng thịt bở, không được dai và ngon như gà này”.
Xuống lán gà của vợ chồng anh N. cuối chợ, anh N. quảng cáo gà nhà anh 100% gà khỏe và ngoại nhập, những con gà này được các ô tô chở về từ đêm khuya. Mỗi ngày lán anh bán ra hàng tấn gà, trước chủ yếu là gà tam hoàng, gà gô nhưng gần đây khó bán nên anh chuyển hẳn sang gà này. Với ưu điểm giá mềm và thịt dai ngon nên không bao giờ anh có gà tồn.
Gà của Trung Quốc khi mổ ra thì không ai phát hiện nổi. Nhìn từ bên ngoài thì những con gà sống này có một màu duy nhất là nâu và có chút hoa mơ màu trắng nhạt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Vui cho rằng, khó có gà Trung Quốc nhập vào Việt Nam vì giá cả thực phẩm như lợn, gà bên đó còn đắt hơn mình. Mặt khác, nếu có gà Trung Quốc thực thì cũng khó xử lý lắm khi họ có đủ giấy tờ chứng minh gà khỏe. Việc nhập khẩu lậu khó xảy ra nhưng nguy cơ mầm bệnh rất cao. Vì vậy, Chi cục Thú Y thành phố sẽ kiểm soát nguồn hàng kỹ hơn trong dịp cuối năm này.
Theo Thành Đạt
Sức khỏe & Đời sống