1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người đầu tiên nhiễm HIV tại Việt Nam hiện nay ra sao?

Minh Nhật

(Dân trí) - Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi năm nước ta vẫn phát hiện khoảng 10.000 người nhiễm HIV. Thực trạng này đang khiến mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 vẫn còn khá xa.

Chia sẻ tại buổi Gặp mặt báo chí nhân Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, BS Nguyễn Hữu Hải, Phó trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trải qua 3 thập kỷ ứng phó với với dịch bệnh HIV/AIDS.

Người đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện nhiễm HIV là một phụ nữ sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Căn bệnh của bà được phát hiện vào năm 1990, lúc bà 30 tuổi.

Người đầu tiên nhiễm HIV tại Việt Nam hiện nay ra sao? - 1

Thông tin bất ngờ, được chia sẻ bởi BS Hải, người phụ nữ này đến nay vẫn sống khỏe mạnh, nhờ tuân thủ việc điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) từ năm 1997.

“Người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm, tuân thủ điều trị thì tuổi thọ gần như người bình thường. Cụ thể, với một người nhiễm HIV từ năm 20 tuổi, nếu điều trị tốt, có thể sống thêm 50-60 năm nữa”, BS Hải cho hay.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các kết quả thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đang là 1 trong 4 quốc gia (cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ) có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.

Người đầu tiên nhiễm HIV tại Việt Nam hiện nay ra sao? - 2

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

“Tại Việt Nam có hơn 153.000 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV. Tỷ lệ tuân thủ sau 12 tháng đạt 88%. Tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (<1000 copy/ml máu) đạt 96%, dưới ngưỡng phát hiện (200 copy/ml máu) đạt 92%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, theo các chuyên gia, cuộc chiến với dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

HIV/AIDS hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi, xuất hiện các nhóm quần thể có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV mới.

Đáng chú ý, nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay.

Người đầu tiên nhiễm HIV tại Việt Nam hiện nay ra sao? - 3

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Phân tích rõ hơn về thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nói: “Cách đây 5-7 năm, Việt Nam chỉ phát hiện 4% người đồng tính nam dương tính với HIV thì đến nay con số này đã tăng tới 12%, có nơi lên tới 15%. Không chỉ vậy, số ca dương tính với HIV mới trong 1 năm cũng tăng nhanh. Thực tế, trong những trường hợp nhiễm HIV mới, số người đồng tính nhiễm HIV chiếm từ 40-50%”.

Việc tiếp cận với người nhiễm HIV thuộc quần thể “ẩn” này, để có thể đưa vào điều trị ARV kịp thời vẫn là một thách thức lớn.

Theo PGS Long, để kiểm soát được dịch HIV/AIDS thì nhóm người đồng tính nam phải được can thiệp bằng việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (Prep). Phương pháp này đã được chứng minh có thể giảm tới 95-98% nguy cơ lây nhiễm HIV từ người khác.

Mới đây, Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua với số phiếu kỷ lục 100% đại biểu đồng ý. Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp/100.000 dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm