1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người đàn ông suýt mất mạng vì... thuốc đau răng

Minh Nhật

(Dân trí) - Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ.

Người đàn ông 56 tuổi (Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất trong tình trạng phù nề toàn bộ hai mắt, vùng môi, khàn tiếng, khó thở, nhịp tim không đều, huyết áp tụt…

Qua khai thác bệnh sử xác định trước đó bệnh nhân có uống thuốc điều trị đau răng do nhân viên bán thuốc gần nhà "kê đơn".

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Bệnh nhân có dấu hiệu giảm khó thở, nhưng hai mắt và môi vẫn sưng nề. Khoảng 20 phút sau cấp cứu bệnh nhân dần ổn định và chuyển điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện.

Người đàn ông suýt mất mạng vì... thuốc đau răng - 1

Không nên tự ý dùng thuốc vì có thể gây nguy hiểm tính mạng (Ảnh minh họa).

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng. Phản ứng này có thể xảy ra trong vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng (dị nguyên) như: thuốc, nhựa mủ, nọc độc, ong chích, kiến đốt,… hay là những thực phẩm hàng ngày không phù hợp với cơ thể mỗi người như: cá ngừ, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, khoai tây, đậu phộng, đậu nành…

Với trường hợp trên đây, BS Đào Thị Ánh Tuyết - người trực tiếp cấp cứu ca bệnh cho hay, chỉ chậm thêm ít phút là bệnh nhân nguy hiểm tính mạng.

Đáng nói, đây không phải là trường hợp cá biệt bị sốc phản vệ do tự ý dùng thuốc mà bệnh viện này từng cấp cứu. Nhiều bệnh nhân chỉ vì không muốn đi viện khám, điều trị những bất thường của cơ thể mà lựa chọn cách dễ hơn là tự ra hiệu thuốc mua thuốc về uống.

Phản ứng phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và diễn biến rất nhanh. Có những tác nhân dù đã tiếp xúc rất nhiều lần, những lần trước đó hoàn toàn bình thường vẫn có thể gây ra phản ứng phản vệ ở lần tiếp xúc sau, đặc biệt là các loại thuốc. Vì vậy, sau khi dùng thuốc, đặc biệt là những người đã từng có tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn thấy xuất hiện các triệu chứng: nổi ban ngứa, buồn nôn, đau bụng, khó thở, tức ngực cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Việc tự ý sử dụng thuốc không chỉ gây nên tình trạng kháng thuốc mà còn tiềm ẩn nguy cơ dị ứng, sốc phản vệ nguy hiểm đến sức khỏe.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo: Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nên đi khám để được bác sĩ tư vấn điều trị đúng thuốc, đúng bệnh. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về điều trị, tránh lạm dụng thuốc để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm