1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người đàn ông bị điếc, hoại tử vì căn bệnh từ lợn

Minh Nhật

(Dân trí) - Qua thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn thể viêm màng não.

Người đàn ông trung niên được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng chân loang lổ nhiều vết hoại tử khô.

Qua thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn thể viêm màng não.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân có thói quen uống nhiều rượu nhưng không ăn tiết canh. Đáng chú ý, bệnh nhân làm việc ở trang trại lợn. Trong quá trình làm việc ít khi mang đồ bảo hộ.

Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiễm liên cầu lợn có nhiều thể bệnh nhưng có 2 thể chính là: thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não.

Người đàn ông bị điếc, hoại tử vì căn bệnh từ lợn - 1

Người đàn ông trung niên được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng chân loang lổ nhiều vết hoại tử khô (Ảnh: CTV).

Với thể nhiễm trùng huyết, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh và nặng. Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng rối loạn đa cơ quan. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

Thể thứ hai là viêm màng não mà bệnh nhân này đang mắc, thường tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có những biến chứng về lâu dài như liệt, các di chứng về mặt thần kinh.

Theo chuyên gia này, liên cầu lợn là bệnh lý rất nguy hiểm. Bệnh trở nặng rất nhanh, chỉ vài giờ sau khi có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc nổi các ban trên người. Điều trị bệnh liên cầu lợn cũng rất khó khăn.

"Thậm chí, nếu nhập viện khi đã nặng, bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử da, đầu tay, mặt và di chứng nặng trên cơ thể như điếc tai, ngón tay phải cắt cụt", BS Thiệu nhấn mạnh.

Ở thời điểm hiện tại, theo chuyên gia này, bệnh nhân có thêm biến chứng mất thính giác hoàn toàn và giảm thị giác.

"Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, giảm viêm, bù dịch và cắt lọc các tổ chức hoại tử. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân có thể phải lọc máu nếu cần thiết", BS Thiệu thông tin.

Theo BS Thiệu, không chỉ do ăn các món tái, sống, bệnh liên cầu lợn còn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín.

Do đó, không chỉ ăn tiết canh mà ngay cả khi chăn nuôi, giết mổ, chế biến lợn không tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn, cũng có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn.

Để phòng bệnh liên cầu lợn, BS Thiệu khuyến cáo, người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Đặc biệt phải nấu chín thịt lợn khi ăn. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Trong quá trình chăn nuôi, giết mổ lợn cần đảm bảo nguyên tắc an toàn vệ sinh lao động.

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh liên cầu lợn thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể tới 7%.