Có bắt buộc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 4?
(Dân trí) - Với tâm lý đã mắc Covid-19, nhiều người không muốn tiêm mũi 3, mũi 4. Một số địa phương xin không nhận hoặc điều chuyển vaccine đã được phân bổ. Vậy người dân có bắt buộc phải tiêm vaccine không?
Trả lời tại buổi họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447 về việc công bố dịch Covid-19 là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A có nguy cơ đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, hiện nay Covid-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc với một số lý do sau:
Thứ nhất, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên triển khai tiêm vaccine tự nguyện, hơn là bắt buộc.
Thứ hai, việc sử dụng vaccine phòng chống dịch Covid-19 trên thế giới hầu như là tự nguyện, chỉ có một số quốc gia bắt buộc tiêm vaccine với một số đối tượng như công nhân, cảnh sát, quân đội… và chưa bắt buộc tiêm vaccine với trẻ em 5-12 tuổi.
Thứ ba, các vaccine phòng Covid-19 vẫn đang trong quá trình tổng hợp theo dõi về hiệu quả của sử dụng vaccine.
Như vậy, căn cứ vào quy định hiện hành và các lý do nêu trên tại thời điểm hiện nay, việc tiêm vaccine Covid-19 chưa có đủ cơ sở xác định là bắt buộc.
Việc tiêm vaccine không phải là bắt buộc nhưng ngành y tế khuyến khích với tất cả người dân. Lý do vì đa phần các trường hợp tử vong, khoảng 80% là do không tiêm vaccine, không tiêm đủ mũi. Đây là điều rất đáng tiếc, phần lớn tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền.
Tại Việt Nam, thời gian qua việc tiêm vaccine phòng Covid-19 là tự nguyện. Vì thế, trước khi tiêm mỗi người đều phải ký vào bản cam kết tự nguyện tiêm.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người cần tiêm mũi 4 (mũi tăng cường thứ 2) là người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.
Trong văn bản mới đây nhất, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng nhấn mạnh ưu tiên triển khai sớm mũi 4 cho đối tượng công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp, người làm dịch vụ du lịch có nguy cơ cao lây nhiễm.
Thời gian vừa qua Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn liên tục có văn bản "thúc giục" các địa phương tăng cường tiêm mũi 3, mũi 4. Lý do vì Bộ cơ bản đã nhận đủ vaccine nhưng nhiều nơi chần chừ không nhận vaccine hoặc xin điều chuyển vaccine.
Hiện nhiều nước trên thế giới đã triển khai mũi tiêm thứ 4 vaccine ngừa Covid-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới.
Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh.
Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc.
Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc.
Căn cứ vào những quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, ngày 17/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc.