Người có các bệnh lý này dễ trở nặng khi mắc Covid-19

Nam Phương

(Dân trí) - Các trường hợp béo phì, thừa cân, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh hen, bệnh gan… nếu mắc Covid-19 sẽ rất dễ trở nặng. Những bệnh nhân này không thuộc đối tượng được quản lý tại nhà, tại cộng đồng.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), khi mắc Covid-19, nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng sẽ tập trung vào nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mãn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt… Vì thế, tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc bệnh mạn tính kèm theo.

Những nhóm người nói trên khi mắc Covid-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác.

Người có các bệnh lý này dễ trở nặng khi mắc Covid-19 - 1

(Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Cũng vì thế, trong diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế, các chuyên gia cũng đều khuyến cáo bảo vệ những nhóm này.

Theo TS Kính, có đến 80% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, một số có rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi… Nếu không bị viêm phổi, họ sẽ tự hồi phục sau một tuần.

Tuy nhiên, một số trường hợp có thể viêm phổi, viêm phổi nặng, diễn tiến tới suy hô hấp cấp nặng sốc nhiễm trùng, rối loạn thăng bằng kiềm-toan, rối loạn đông máu, trầm cảm, rối loạn tâm lý, suy chức năng các cơ quan dẫn đến tử vong.

Người có các bệnh lý này dễ trở nặng khi mắc Covid-19 - 2

Dưới đây Bộ Y tế đưa ra danh sách 20 bệnh nền (có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc Covid-19):

1. Đái tháo đường.

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác.

3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác).

4. Bệnh thận mạn tính.

5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.

6. Béo phì, thừa cân.

7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim).

8. Bệnh lý mạch máu não.

9. Hội chứng Down.

10. HIV/AIDS.

11. Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ).

12. Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác.

13. Hen phế quản.

14. Tăng huyết áp.

15. Thiếu hụt miễn dịch.

16. Bệnh gan.

17. Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện.

18. Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

19. Các bệnh hệ thống.

20. Bệnh lý khác đối với trẻ em: tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải.

Để phòng bệnh Covid-19 người dân lưu ý tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K: Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế, tiêm vắc xin phòng Covid-19 khi đến lượt.

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4