Người bố Trung Quốc nhiễm nCoV đã có hai lần âm tính

(Dân trí) - Sáng 11/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin, ca nhiễm nCoV đầu tiên là ông bố người Trung Quốc đã có 2 lần xét nghiệm âm tính, hiện tự sinh hoạt, chỉ số trở về bình thường.

Trao đổi với báo chí cuối giờ sáng ngày 11/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế ca nhiễm virus corona mới thứ 15 vẫn xuất phát từ tâm dịch Vĩnh Phúc, lây từ bà ngoại sang cháu, bà ngoại lây từ một ca nhiễm từ Vũ Hán trở về. Dấu hiệu này cho thấy bệnh đã lan đến F3, cháu bé mới 3 tháng tuổi.

Như vậy, tại Việt Nam số ca mắc đã đủ loại hình: người cao tuổi- với nhiều bệnh nền, nam – nữ thanh nhiên và giờ có cả bệnh nhi. Nhờ đó, ngành y tế có thêm thông tin mới về vấn đề dịch tễ, mô hình đường lây và tính chất lây- lây từ bà sang cháu.

Người bố Trung Quốc nhiễm nCoV đã có hai lần âm tính - 1
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế

Về điều trị cho bệnh nhi 3 tháng tuổi, ông Khuê cho biết trong phác đồ điều trị đã có phần hướng dẫn về chăm sóc bệnh nhân nhi khi nhiễm virus này.

“Chúng tôi sẽ cử chuyên gia ở trung ương về giúp địa phương. Nếu sức khỏe của trẻ có diễn biến nặng lên, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ sẵn sàng tiếp nhận để điều trị”, ông Khuê nói.

Người bố Trung Quốc nhiễm nCoV đã có hai lần âm tính

Cũng theo ông Khuê, điều đáng mừng là ca nhiễm nCoV đầu tiên là ông bố người Trung Quốc đã có 2 lần xét nghiệm âm tính, hiện tự sinh hoạt, chỉ số trở về bình thường. Hy vọng thời gian tới sẽ cho bệnh nhân ra viện.

Qua những trường hợp điều trị khỏi, ngành y tế đã rút kinh nghiệm về điều trị, thu dung, mục tiêu là phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa tử vong, hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện giữa người bệnh-người bệnh, người bệnh-thầy thuốc và với cộng đồng.

Đến nay sức khỏe các bệnh nhân khác ổn định. Trường hợp người dì và hàng xóm lây từ một nữ công nhân từ Vũ Hán về hiện sức khỏe đã trở về bình thường. Nếu xét nghiệm âm tính thì thời gian ngắn nữa có thể ra viện, quản lý tại cộng đồng.

Với những trường hợp đã được ra viện thì ngành y tế đã đưa bệnh nhân về nhà, phối hợp với trạm y tế xã quản lý, chăm sóc, theo dõi cách ly tại cộng đồng.

Ngoài ra, theo chia sẻ của Trung Quốc và nhiều nước, có khoảng 10-20% ca nặng vì thế ngành y tế cũng chuẩn bị sẵn sàng số giường bệnh này, có thở ôxy, thở máy…

Với miền Bắc thì Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến cuối, ngoài điều trị ca nặng, trước mắt sẽ nơi tiếp nhận các ca dương tính. Những trường hợp bệnh cảnh lâm sàng nhẹ hơn như tại Vĩnh Phúc được theo dõi tại tuyến huyện.

Bên cạnh đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng chuẩn bị 20-40 giường để đón những bệnh nhân rất nặng. Các bệnh viện chuyên khoa khác cũng chuẩn bị 20-40 giường cấp cứu điều trị ban đầu.

Cũng theo ông Khuê, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo thành lập tổ thường trực giúp Vĩnh Phúc trong đó các chuyên gia về dự phòng, khám chữa bệnh…, đội cơ động phản ứng nhanh sẵn sàng chi viện khi địa phương cần.

“Người dân cần hết sức bình tĩnh cùng nhau phát hiện sớm ca bệnh, cách ly sớm, điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa tử vong”, ông Khuê nhấn mạnh.

Nam Phương