1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện thiếu thuốc, người dân chịu thiệt

Nam Phương

(Dân trí) - Nhằm tháo gỡ khó khăn trong cung ứng thuốc, Bộ Y tế ban hành danh mục 6251 thuốc hết hạn đăng ký trong năm 2022 được tiếp tục lưu hành tới cuối năm. Dự kiến trước ngày 15/7 sẽ ban hành số còn lại.

Nhiều nơi "than" thiếu thuốc, vật tư

Lãnh đạo một bệnh viện lớn tại Hà Nội thừa nhận đang có hiện tượng thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc biệt dược, thiếu vật tư, tiêu hao… xảy ra tại nhiều bệnh viện nhiều nơi.

"Tôi biết có bệnh viện, bệnh nhân đi mổ phải ra hiệu thuốc mua từ những sợi chỉ, băng gạc, dây truyền, dụng cụ mang lên. Tại bệnh viện của mình, chúng tôi vẫn cố gắng để đảm bảo có đủ thuốc, vật tư tiêu hao... Tuy nhiên, việc đấu thầu rất khó, lấy ví dụ với mặt hàng thuốc gây mê vô cùng khó mua vì đây là thuốc thuộc diện phải kiểm soát, không phải nhiều nơi dùng. Theo quy định giá rẻ thì mua nhưng người ta không chào giá rẻ", lãnh đạo này cho biết. 

Một bệnh viện tỉnh tại Hậu Giang cũng "than" thiếu nhiều loại thuốc như kháng sinh, thuốc tiểu đường, huyết áp, viêm gan, thuốc điều trị ung thư, thuốc an thần, thuốc điều trị dạ dày, thuốc chống đông, tiêu chảy, tăng tuần hoàn não, các loại đạm, các vitamin.

Hay như tại TPHCM, máy chụp PET/CT của Bệnh viện Ung bướu mới đây mới được tái hoạt động sau một năm "đắp chiếu" vì thiếu thuốc phóng xạ. 

Trước đó vào tháng 3, một số bệnh nhân ở Phú Yên đi khám bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng không được cấp một số loại thuốc theo quy định cũng vì hết thuốc. Theo ngành y tế tỉnh, việc "hết thuốc" do chậm trong công tác đấu thầu.

Cuối tháng 4, tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận. Từ chỗ được BHYT đồng chi trả các loại thuốc trên và chỉ thanh toán một khoản rất nhỏ, các bệnh nhân phải tự mua với giá rất cao không được hỗ trợ. Thời gian dùng thuốc kéo dài cả tháng trời, điều này khiến các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn lao đao trong việc tìm tiền mua thuốc. 

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi mới đây cũng cho biết sau đại dịch, hàng loạt các vụ thanh kiểm tra, xử lý sai phạm về y tế làm cho không chỉ người trong ngành mà bên ngoài cũng e dè, dẫn đến việc ngại mua sắm, ngại đầu tư, làm thiếu thuốc men, hóa chất, trang thiết bị y tế. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị.

Thiếu thuốc cũng là một trong những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội trường Quốc hội. 

"Gần đây có vị Bộ trưởng than phiền với tôi là đi mua thuốc Zinnat- loại kháng sinh rất thông dụng nhưng cũng không mua được" là chia sẻ của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

"Những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư thuốc men hiện nay không được cải thiện mà còn tệ hơn bao giờ hết. Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư" - ông Hiếu thông tin.

Bệnh viện thiếu thuốc, người dân chịu thiệt - 1

Đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).

Trả lời bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đại biểu đoàn Hà Nội) cũng thừa nhận các bệnh viện công trên toàn quốc đang thiếu vật tư, thiết bị y tế, thiếu thuốc men, sinh phẩm.

"Nguyên nhân do giám đốc các bệnh viện không mặn mà lắm, thậm chí người ta ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Đây là điều đáng quan ngại vì nó ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc ở bên ngoài với giá cao nhưng không kiểm soát được chất lượng"- ông Trí nói.

Những điểm nghẽn trong việc cung ứng thuốc điều trị

Bệnh viện thiếu thuốc, người dân chịu thiệt - 2

Theo các chuyên gia, thực trạng thiếu thuốc điều trị tại các bệnh viện là ảnh hưởng dây chuyền của các khó khăn mà ngành y tế gặp phải. Trong đó nguyên nhân chủ quan là các bất cập trong việc triển khai các quy định không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Một số chính sách trong lĩnh vực dược đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện.

Việc cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Trong đó, vấn đề đăng ký lưu hành thuốc và đấu thầu, mua sắm thuốc có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, phân phối thuốc.

Hiện nay, một số lượng không nhỏ thuốc đã hết hạn lưu hành tại Việt Nam nhưng chưa kịp thời được gia hạn. Đối với các thuốc hết hạn trong khoảng thời gian từ ngày 31/12/2021 đến ngày 2/6/2022 mới gấp rút thực hiện quá trình sản xuất, phân phối bởi vướng mắc về thủ tục gia hạn. Theo các doanh nghiệp dược dự kiến, việc cung ứng các thuốc trên sẽ gián đoạn ít nhất 3 tháng.

Tính đến thời điểm này, việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia 2022 - 2023 và công tác đàm phán giá cũng đang được khẩn trương thực hiện. Trong khi đó các bệnh viện và cơ sở y tế vẫn chờ kết quả của việc đấu thầu, đàm phán giá để mở các gói thầu cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó đã có một số đề xuất trong việc cần cơ chế để các bệnh viện, Sở Y tế có thể gia hạn hợp đồng cung ứng.

Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 và Nghị định 29/2022/NĐ-CP được ban hành nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của hệ thống y tế để đảm bảo công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng vẫn còn có nhiều điểm nghẽn, đặc biệt là việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Trong thời gian qua, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng đã nỗ lực giải quyết các hồ sơ giấy phép hết hạn sớm. Đồng thời đề xuất Chính phủ giảm thủ tục, cho phép duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc 12 tháng để không gián đoạn nguồn cung ứng thuốc. Tuy nhiên, số giấy đăng ký chưa được gia hạn còn tồn đọng hay chờ cơ quan quản lý ban hành danh mục là một con số không nhỏ.

Ngày 2/6, Cục ban hành công văn công bố danh mục thuốc theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP- danh mục thuốc hết hạn đăng ký trong năm 2022 được tiếp tục lưu hành tới cuối năm - đợt 1. Danh mục này cho các thuốc hết hạn từ ngày 31/12/2021 đến 30/6/2022.

Danh mục này được tiếp tục cập nhật, bổ sung tại các đợt công bố tiếp theo. Dự kiến trước ngày 15/7 sẽ ban hành các thuốc còn lại trong gần 10.000 giấy đăng ký sắp hết hiệu lực chỉ trong năm 2022. Vì thế, Bộ Y tế cũng đang nỗ lực đẩy nhanh công tác gia hạn hiệu lực số đăng ký. Tuy nhiên trong hơn 6 tháng còn lại của năm 2022, công tác thực hiện gia hạn một số lượng lớn các thuốc này sẽ rất khó khả thi nếu thời gian duy trì hiệu lực không được thực hiện tối thiểu 12 tháng, đúng theo tinh thần của Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15.

Trong năm nay, sẽ có nhiều chính sách của lĩnh vực dược được điều chỉnh, bổ sung như đổi mới thủ tục đăng ký lưu hành thuốc. Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư thay thế Thông tư 32/2018. Bộ Y tế cũng đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Dược sửa đổi nhằm hoàn thiện khung pháp lý theo yêu cầu của thực tế đặt ra và tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn và giải quyết một cách triệt để nguy cơ thiếu thuốc.