Người ăn tiết canh, sán "ăn" não

Bệnh nhiễm sán lợn là một trong những loại bệnh do ký sinh trùng tấn công qua đường ăn uống đáng báo động nhất hiện nay. Đáng cảnh báo là những người mắc bệnh này đều có tiền sử ăn tiết canh lợn, nem chua và nem chạo.

 Sán lợn làm tổ trong não người

 

Ông Nguyễn Đình Liên, 68 tuổi ở Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An đang được điều trị ở Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư cho biết, ông bị “đổ bệnh” cách đây khoảng 2 năm.

 

Triệu chứng đầu tiên xuất hiện vào một ngày ông đi làm, nhưng không nhớ đường về. Nhà ông ở phía Bắc TP Vinh nhưng ông lại đạp xe về hướng Nam. Đi được một đoạn, ông Liên bị động kinh, co giật ngã xuống cầu Thông (Bến Thủy). Được bà con dân phố dìu vào nhà cho uống nước, nằm nghỉ ngơi một lúc, ông mới tỉnh lại và nhớ ra số điện thoại nhà mình.

 

Người nhà đưa ông Liên đến Bệnh viện Giao thông 4 (Nghệ An). Sau khi truyền nước thấy ông khỏe mạnh và tỉnh táo như ngày thường nên bác sĩ đã cho ông ra viện. Nhưng khoảng 2- 3 tháng sau, triệu chứng đau đầu và động kinh, co giật quay trở  lại. Nghĩ mình bị tai biến về não, ông Liên đến Bệnh viện Ba Lan (Nghệ An) để điện não đồ. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán não của ông Liên bị tai biến do xuất hiện một sợi dây lạ.

 

Ông Liên đi chụp cắt lớp não mới phát hiện một tổ kén sán trong não. Ông được chuyển đến Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành chụp CT và kết luận ông Liên bị nhiễm sán lợn lên não. Sau khi điều trị, số nang sán trong não đã giảm. Tiêu diệt hết số nang sán đang sống “ký sinh” trong người ông thì chứng động kinh lúc đó mới hết.

 

Cùng một triệu chứng giống ông Liên, anh Bi Văn Xe, 52 tuổi ở Nghi Xuân,  Thanh Hóa cũng  bị sán lên não gây động kinh, co giật. Khắp cơ thể anh Xe còn xuất hiện những nốt u cứng, tròn như hạt ngô nằm dưới da. Những nốt u này nhìn kỹ mới thấy, lấy tay ấn nhẹ thì nó trượt đi trượt lại phía dưới da. Anh Xe cho biết, anh có thói quen uống rượu và ăn tiết canh lợn.

 

Cẩn trọng với những món khoái  khẩu

 

BS Nguyễn Nhật Lệ, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương cho biết, bệnh nhân bị động kinh, co giật là do sán chèn lên não, làm tổn thương vùng não.

 

Bệnh nhiễm sán lợn là một trong những loại bệnh do ký sinh trùng tấn công qua đường ăn uống đáng báo động nhất hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay chưa mấy ai quan tâm và cảnh giác với dạng bệnh này. Bệnh nhân chỉ tìm đến bệnh viện khi tình trạng bệnh đã nhiễm nặng, dẫn đến những triệu chứng như động kinh, co giật hoặc nổi u dưới da.

 

Sán lợn là một dạng ký sinh trùng trên cơ thể lợn. Do quá trình ăn uống, dạng ký sinh trùng này đã chuyển từ lợn sang “ký sinh” ở người. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn những loại thực phẩm từ thịt lợn bị nhiễm sán chưa được nấu chín.

 

Sán lợn sang người sẽ di chuyển khắp nơi trong cơ thể, nhưng “vùng đất” lý tưởng nhất của nó là não và vùng dưới da. Sán lợn lên não sẽ chèn ép não gây nên những tổn thương vùng não dẫn đến hiện tượng giảm trí nhớ, mất trí nhớ, đau đầu và động kinh co giật.

 

Khi ký sinh dưới da, nó sẽ  hút chất dinh dưỡng tại đây, bệnh nhân có thể bị giảm thị lực hoặc liệt chân, tay. Sán lợn có thể chui qua da. Cách đây không lâu, một con sán dài khoảng 3cm đã chui qua da đầu gối của một bệnh nhân nam.

 

ThS Đoàn Hạnh Nguyên, Trưởng Khoa Khám bệnh Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư cho biết, hiện  nay trung bình mỗi năm có  khoảng 350 lượt bệnh nhân bị nhiễm sán được điều trị tại Viện, trong đó 100 lượt bệnh nhân mới.

 

 

Theo Lâm Vũ

Gia đình