Nghiện thuốc an thần
Việc lạm dụng thuốc an thần lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc và nhiều bất ổn về tâm thần kinh!
Là trưởng phòng của một công ty nước ngoài, anh N.V.T.T (40 tuổi, ngụ quận Tân Bình-TPHCM) có lịch làm việc khá bận rộn. Trong những lần làm dự án, anh thường uống rất nhiều trà, cà phê để thức đêm làm việc. Hậu quả, khi qua giai đoạn căng thẳng, anh hay gặp tình trạng mất ngủ liên tục nhiều ngày hoặc đêm chỉ ngủ một vài giờ rồi giật mình và chẳng thể nào ngủ tiếp.
Phải có toa của bác sĩ
Biết anh V., bạn mình, cũng gặp chứng mất ngủ tương tự và đã đi khám tại một phòng khám tư nhân, anh T. mượn toa thuốc của bạn và mua một ít Lexomil 6 mg về uống bởi lý do “đi vào phòng khám tâm thần người ta tưởng mình… bị điên”. Hơn một năm sau, anh T. lại phải tìm đến bệnh viện (BV) tâm thần vì anh không thể thiếu những viên thuốc, đêm nào không uống thuốc là anh không thể ngủ được.
Ông P.H.M.K (60 tuổi) chia sẻ trên một diễn đàn sức khỏe về những năm tháng dài nghiện thuốc an thần: Cách đây hơn 30 năm, cuộc sống ông gặp nhiều biến cố nên bắt đầu dùng mỗi ngày một viên Seduxen 5 mg. Vài năm sau, ông cố gắng cai và bị hội chứng cai rất nặng nề. Ông đi khám tâm thần và được cho dùng thuốc chống trầm cảm cùng Valium, cũng thuộc nhóm BZD (Benzodiazepine) như Seduxen. Ông tiếp tục nghiện Valium đến hơn 20 năm sau. Đến 57 tuổi, được sự động viên của gia đình cũng như ý thức được tác hại khủng khiếp của thuốc, ông mới nỗ lực cai lần nữa.
Theo bảng phân loại theo tác dụng điều trị của J.Delay và P.Deniker (Pháp), thuốc hướng thần - tên gọi chung cho các loại dược phẩm tác động lên tâm thần - được dùng để chữa bệnh bao gồm 3 nhóm: thuốc ngủ, thuốc an thần kinh và thuốc bình thản. Trong đó, loại thuốc được dân gian gọi là “thuốc an thần” và hay tìm đến để giải quyết những cơn mất ngủ, lo âu, căng thẳng thuộc nhóm thuốc bình thản. Ngày nay, các loại thuốc bình thản được dùng phổ biến nhất thuộc nhóm BZD với các tên thương mại như Valium, Diazefar, Seduxen, Lexomil… Tuy các loại thuốc này bị hạn chế bán (phải có toa của bác sĩ) nhưng do nhiều nhà thuốc không tuân thủ quy định hoặc người bệnh dùng toa của người khác, dùng lại toa cũ… nên vẫn mua được dễ dàng.
Nhóm thuốc bình thản được chỉ định trong điều trị trạng thái lo âu không loạn thần, các bệnh rối loạn tâm căn (suy nhược thần kinh, rối loạn stress…), rối loạn tâm thể (bệnh thực thể có căn nguyên tâm lý), rối loạn giấc ngủ, kết hợp với thuốc chống trầm cảm để trị trầm cảm…
Lạm dụng rồi nghiện
Hậu quả thường thấy nhất là tình trạng lệ thuộc thuốc, theo cách gọi thông thường là “nghiện tân dược”. Bác sĩ Vũ Đình Vương, Trưởng Khoa Nội trú BV Tâm thần TPHCM, cho biết ông đã gặp nhiều bệnh nhân bị lệ thuộc thuốc khi lạm dụng nhóm BZD, hay gặp nhất là để trị chứng mất ngủ.
Họ thường có cảm giác bứt rứt, lo lắng hồi hộp. Tình trạng mất ngủ nặng nề hơn nếu không có thuốc và bệnh nhân ngày càng tăng liều, có khi gấp 5-6 lần bình thường để dỗ giấc ngủ. “Mất ngủ có nhiều nguyên nhân, không phải hễ mất ngủ là cần đến thuốc. Trong trường hợp bệnh nhân thực sự cần điều trị bằng các loại thuốc hướng thần, BS cũng cho toa không quá 10 ngày” - bác sĩ Vương nhấn mạnh.
BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM, cảnh báo thuốc an thần khi bị lạm dụng có thể gây nhiều tác dụng phụ và tai biến: Giảm tập trung chú ý, suy nhược, suy hô hấp nhẹ, ngộ độc... Người đã lệ thuộc thuốc khi bỏ đột ngột thường gặp hội chứng cai như lo lắng, tê cóng đầu chi, loạn cảm, khó chịu với ánh sáng và tiếng ồn, buồn nôn, vã mồ hôi, co cứng cơ và đôi khi co giật. Những nghiên cứu mới nhất trên thế giới cũng cho thấy thuốc có thể làm gia tăng rối loạn trí nhớ, sa sút tâm thần ở người lớn tuổi.\
Theo Anh Thư
Người lao động