Nghiên cứu vắc xin Covid-19 đặt nền tảng điều trị ung thư và HIV/AIDS

VTV.vn - Hiện một số hãng dược phẩm đã bắt đầu áp dụng công nghệ mới này để nghiên cứu điều trị nhiều bệnh khác, như HIV/AIDS, xơ nang, ung thư, hay suy tim.

Việc phát triển các vắc xin ngừa Covid-19 không chỉ là bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch hiện nay, mà còn là nền tảng cho việc phát triển các công nghệ khác điều trị căn bệnh nan y là ung thư, hay HIV/AIDS và các bệnh lý tim mạch. Vậy công nghệ mang tên mRNA sửa đổi đã đóng vai trò gì đưa vắc xin Covid-19 trở nên tiên tiến hơn nhiều so với các loại vaccine truyền thống?

Messenger ribo-nucleic Acid hay mRNA là một phân tử mang mã di truyền ADN trong tế bào để tạo ra protein.

Nếu như các loại vắc xin truyền thống chứa một lượng nhỏ virus đã được làm suy yếu hoặc các dạng vi khuẩn bất hoạt mang mầm bệnh. Khi tiêm vaccine truyền thống vào cơ thể, chúng sẽ huấn luyện cơ thể nhận ra một số protein, được gọi là kháng nguyên, do virus hoặc vi khuẩn tạo ra. Nhờ đó, hệ miễn dịch sẽ tạo ra phản ứng có điều kiện nếu cơ thể chẳng may nhiễm virus.

Ngược lại, vaccine có chứa mRNA thực chất giống như giả dược, được tiêm vào cơ thể. Những đơn vị mRNA này khi tiếp xúc với tế bào, sẽ tạo ra các kháng nguyên đặc trưng của virus SARS-CoV-2. Hệ thống miễn dịch sẽ tưởng rằng cơ thể đã mắc Covid-19 và tự động sản sinh kháng thể mà không cần tiếp xúc với virus thực sự.

Nói rộng hơn, công nghệ vắc xin mRNA không chỉ phòng ngừa Covid-19, mà nó có khả năng cao được áp dụng rộng rãi trong việc ngăn chặn các bệnh khác nhờ chứng minh được tính an toàn hơn vaccine truyền thống, bởi loại bỏ được nguy cơ virus trong vaccine trở nên đột biến và tấn công con người.

Một lợi thế khác là tốc độ. Với vắc xinmRNA, chỉ cần trình tự của kháng nguyên là có thể sản xuất. Quá trình này có thể mất chỉ vài tuần.