Nghiên cứu mật độ xương của người Việt

(Dân trí) - Hội thấp khớp học Việt Nam sẽ tiến hành nghiên cứu ngẫu nhiên những người từ 18 tuổi trở lên về tình trạng gãy xương, đo mật độ xương, các chỉ số sinh hoá phản ánh quá trình chuyển hoá xương, các thông số lâm sàng và đặc điểm hình thái… .

Đó là nội dung chính của dự án: “Nghiên cứu mật độ xương và tỉ lệ gãy xương do loãng xương ở người Việt Nam” vừa được ký kết chiều qua, 20/6 giữa Hội thấp khớp học Việt Nam và nhãn hiệu Calcimex thuộc công ty Dutch Lady Việt Nam.

 

Theo đó, Calcimex sẽ tài trợ cho toàn bộ dự án nghiên cứu này với tổng kinh phí 1,2 tỉ đồng, thực hiện trong hai năm tại 4 tỉnh Hà Nội, Hà Nam, TP Hồ Chí Minh và Kiên Giang.

 

GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội thấp khớp học VN cho biết, loãng xương là bệnh lý nguy hiểm và thường gặp ở số đông những người có tuổi, ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/5 đàn ông trên 50 tuổi. Trên toàn thế giới, ước tính cứ 3 phụ nữ thì có một người bị loãng xương (tỉ lệ nhiều hơn cả bệnh ung thư vú), cứ 5 người đàn ông thì có một người mắc phải (nhiều hơn cả bệnh ung thư tuyến tiền liệt).

 

Loãng xương tuy không gây chết người nhưng lại gây đau đớn, tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống, tăng gánh nặng về chi phí cho chính trị xã hội. Những tác động của bệnh loãng xương được xếp ngang hàng với bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

 

Dù tính chất bệnh rất nguy hiểm, nhưng tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về sức khoẻ xương cho nhân dân cả nước. Với dự án này, bước đầu sẽ đưa ra các số liệu về tỉ lệ loãng xương, xác định mật độ xương đỉnh cũng như các nguy cơ của loãng xương và gãy xương của người Việt Nam. Từ đó sẽ  đánh giá được thực trạng bệnh loãng xương và mật độ xương của người Việt Nam bằng phương pháp chuyên môn mà từ trước tới nay, chưa nghiên cứu nào thực hiện được.

 

Hai đơn vị tham gia ký kết đều hi vọng dự án này sẽ tìm ra được tỉ lệ mắc bệnh của người Việt, về chất lượng xương…. để từ đó có kế hoạch đưa ra các biện pháp dự phòng và trị liệu sớm và có hiệu quả.  

Hồng Hải