1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghịch lý chuyển viện ẩu: Người bệnh gánh chịu!

Một bé gái tử vong trên đường chuyển viện vì viêm hô hấp; sản phụ mang song thai tử vong do chậm chuyển viện; bệnh nhân nghi ung thư chuyển BV tuyến trên nhưng không có gì; hàng loạt trẻ chuyển viện do hô hấp lại mắc tay-chân-miệng… là thực tế xảy ra trong ngành y tế.

  

Nghịch lý chuyển viện ẩu: Người bệnh gánh chịu!

Mặc dù quy định rõ, thế nhưng nhiều trường hợp nặng không cho chuyển, còn nhẹ cứ chuyển ào ào

 

Chuyển viện vô trách nhiệm!

 

Một sản phụ tên V.L.T (37 tuổi, trú Nguyễn Thị Nhỏ, P15, Q.5, TPHCM), mang song thai đến tuần thứ 35 cảm thấy mệt khó thở. Gia đình đưa đến cấp cứu tại bệnh viện (BV) Điều dưỡng - phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp quận 8 sát cạnh nhà. Chỉ sau 10 phút cấp cứu, thai phụ bị tử vong và cả 2 đứa con trong bụng cũng không được cứu sống. Mặc dù trước đó, khi khám thai định kỳ tại BV Hùng Vương (chuyên khoa sản), các BS khẳng định, thai vẫn bình thường.

 

Nghe tin sản phụ tử vong, người nhà hy vọng cứu sống 2 đứa trẻ và đề nghị chuyển viện, thế nhưng hơn 15 phút, các BS mới đưa sản phụ qua BV Hùng Vương để phẫu thuật bắt con. Song khi đến nơi thì quá muộn. Câu hỏi đặt ra, tại sao BV Điều dưỡng - phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp khi tiếp nhận trường hợp trên (có song thai) không tiến hành chuyển viện chuyên về phụ sản cách đó không xa?

 

Nhiều bệnh nhi bị tay - chân - miệng được chuyển viện ghi chung chung là viêm phổi.

 

Một trường hợp khác là bệnh nhân Đ.T.Q bị chấn thương sọ não và được cấp cứu tại một BV tuyến huyện ở Bình Dương. Các BS đề nghị chuyển viện nhưng thay vì chuyển lên tuyến trên ở TPHCM rất gần thì lại hạ bút chuyển qua BV ở Đồng Nai xa gấp nhiều lần. Điều đáng nói, BV ở Đồng Nai khi tiếp nhận ca cấp cứu trên lại khẳng định vượt tầm chữa trị và lại đề nghị chuyển lên BV ở TPHCM. Gia đình nạn nhân bức xúc: “Tại sao các BS ở BV huyện D.A lại chuyển người nhà tôi xuống tận Đồng Nai...”.

 

Một trường hợp khác là sản phụ ở Gia Lai được BV địa phương này khẳng định nguy cơ cao và đề nghị cho chuyển viện vào TPHCM. Thay vì chuyển vào BV phụ sản thì BV địa phương lại cho chuyển viện ở BV không có khoa sản. Các BS ở BV này tiếp nhận trường hợp trên và qua thăm khám khẳng định thai nhi vẫn bình thường.

 

Sau đó, các BS đã đề nghị gia đình nên tự chuyển sản phụ sang BV chuyên khoa để theo dõi hoặc về địa phương xin giấy chuyển viện khác. BS cấp cứu cho biết: “Tôi không hiểu tại sao BV lại cho chuyển viện mà lại chuyển cho chúng tôi khi không có khoa sản. Nếu tôi chuyển bệnh nhân sang BV khác thì giấy chuyển viện không hợp lệ. Còn nếu chuyển viện về tuyến dưới lại càng không được...”.

 

Ai chịu trách nhiệm?

 

Luật Bảo hiểm y tế quy định, mọi người phải đăng ký khám - chữa bệnh ban đầu tại các BV và cơ sở y tế tuyến huyện, phường, xã. Theo đó, bệnh nhân sẽ được chuyển viện khi người bệnh quá khả năng điều trị của BV sau khi đã hội chẩn. Thế nhưng, trên thực tế, việc chuyển viện hiện nay đang rơi vào tình trạng bỏ ngỏ ít ai kiểm soát về mặt chuyên môn mà chỉ chú trọng là làm đúng thủ tục cho bảo hiểm y tế thanh toán là được. Chính vì điều này khiến nhiều BV tuyến trên trở thành cái phễu hứng trọn các bệnh nhân từ các tỉnh.

 

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, các BV tỉnh không có trang thiết bị, dụng cụ nên “nhát tay” điều trị đối với trẻ mắc tay - chân - miệng và cứ làm giấy chuyển viện. Thậm chí không ít bệnh nhi mắc bệnh này khi chuyển viện nhưng lại chẩn đoán là viêm phổi, nhiễm trùng.

 

BS Tôn Thất Quỳnh Ái, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy,  cho biết: Các đơn vị tuyến dưới cần phải tiên lượng trước những tình huống xấu xảy ra khi chuyển bệnh nhân. Có những trường hợp không cần chuyển mà nên xử lý tại chỗ là có thể cứu sống người bệnh. Những bệnh nặng khi chuyển viện cần phải có BS đi theo, để không có sự cố đáng tiếc.

 

Mặt khác, nhiều BV khi tiếp nhận bệnh nhân nhưng nhất quyết không cho chuyển viện lên tuyến trên do không đánh giá được mức độ bệnh hoặc sợ trách nhiệm nên người bệnh phải gánh chịu hậu quả. Điển hình là trường hợp bé gái chưa đầy 7 tháng tuổi tên L.S.S ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng tử vong trên đường chuyển viện đến BV Nhi Đồng 2, TPHCM do BS chần chừ không cho chuyển viện sớm vì đánh giá không có vấn đề gì.

 

Theo Võ Tuấn

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm