Nghi phơi nhiễm HIV cần đến gặp bác sĩ ngay
(Dân trí) - Tất cả các nạn nhân bị người lạ dùng vật nhọn tấn công gây thương tích, đang được điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV. TS.BS Lê Mạnh Hùng, khuyến cáo cộng đồng nếu nghi bị phơi nhiễm cần đến gặp bác sĩ ngay, việc điều trị dự phòng mang lại hiệu quả gần như tuyệt đối.
Liên quan đến vụ việc nhiều người dân khi đang tham gia giao thông trên địa bàn quận 5 đã bị người lạ mặt dùng xe gắn máy đuổi theo tấn công bằng vật nhọn, ngày 8/4, TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới xác nhận đã có tổng cộng 10 bệnh nhân đến thăm khám điều trị dự phòng HIV tại bệnh viện.
Xác định vụ việc có tính chất nguy hiểm, có thể khiến người bị tấn công phơi nhiễm HIV, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã có báo cáo khẩn gửi Công an Quận 5 và Sở Y tế TPHCM để phối hợp xử lý, ngăn chặn vụ việc. Được biết, hiện đối tượng đã bị cơ quan công an mời lên làm việc, bước đầu ghi nhận thông tin đây là người có biểu hiện bệnh lý tâm thần.
Thông tin chi tiết từ TS Mạnh Hùng cho biết, hầu hết bệnh nhân đến thăm khám trong tình trạng hoảng loạn và lo lắng. Thực tế kiểm tra thương tích trên cơ thể bệnh nhân chỉ ghi nhận những vết thương nhỏ gây chảy máu (khó xác định do vật gì gây ra).
Các bác sĩ đã tiến hành xử lý sát trùng vết thương, khai thác bệnh sử xác định tình huống thương tích do người lạ mặt, có yếu tố nguy cơ nhiễm HIV, bác sĩ tiến hành các bước xét nghiệm công thức máu, kiểm tra chức năng gan sau đó cho bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm.
Trước mắt, bệnh viện đã cho bệnh nhân sử dụng 3 ngày thuốc đầu, sau đó người bệnh sẽ được tái khám. Nếu thuốc không có tác dụng phụ nguy hiểm, khó chịu với người bệnh, các xét nghiệm kiểm tra không ghi nhận bất thường, bệnh nhân sẽ được tiếp tục điều trị trong vòng 28 ngày. Sau sử dụng thuốc, bệnh nhân sẽ được tái khám, theo dõi các yếu tố sức khỏe. Khoảng 2 tháng sau khi có nguy cơ phơi nhiễm bệnh nhân sẽ được xét nghiệm tầm soát để xác định có bị nhiễm HIV hay không.
Khi chẳng may gặp tai nạn hoặc bị người lạ tấn công nghi có "H" bệnh viện luôn hoạt động và hỗ trợ nạn nhân 24/24
TS Mạnh Hùng khẳng định, từ trước đến nay tất cả các trường hợp bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới tiếp nhận bệnh nhân có nguy cơ phơi nhiễm do tai nạn nghề nghiệp, kim đâm, thương tích… được theo dõi, xử lý, bệnh nhân tuân thủ việc điều trị dự phòng, chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm HIV. Trên cả nước cũng chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm HIV do phơi nhiễm, đã xử lý đúng, sớm ngay từ đầu, điều đó cho thấy, hiệu quả dự phòng hiện tại rất tốt.
Từ những trường hợp bị tấn công bằng vật nhọn phải điều trị dự phòng nêu trên, TS Mạnh Hùng khuyến cáo: “Một số cá nhân vì những nguyên do khác nhau có thể gây nguy hiểm, hoang mang cho cộng đồng, cho người dân. Tuy nhiên, không vì điều đó mà lo sợ tạo nên tâm lý hoảng loạn ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như công việc. Thời gian ủ bệnh của vi rút HIV từ 6 tuần đến 3 tháng. Khi nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV, người bệnh không nên hốt hoảng, không chích lể, nặn bóp vết thương gây dập mô, sẽ tạo điều kiện cho virus HIV tấn công.
Nếu là vết thương nhỏ chỉ cần sơ cứu bằng cách rửa dưới vòi nước sạch, dùng thuốc sát trùng, đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, điều trị dự phòng. Người bệnh cần chủ động thông báo bệnh sử, tình huống xảy ra để cơ sở y tế tiếp nhận có tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng điều tra, xử lý kịp thời ngăn chặn những hành động nguy hiểm cho cộng đồng".
Vân Sơn