Nghị lực phi thường của bác sĩ trẻ

(Dân trí) - Là một bác sĩ trẻ tâm huyết, say mê với nghề, nhiều triển vọng trong công việc, nhưng bác sĩ Ngô Việt Hưng (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) lại bất ngờ phát hiện mắc căn bệnh ung thư quái ác. Không để bệnh tật đánh gục mình, anh biến nỗi đau trở thành động lực, hàng ngày vẫn tận tụy với công việc, vừa trị bệnh cho người, vừa chữa bệnh cho mình, lạc quan vào phía trước.

 “Nghề bác sĩ, tâm huyết thôi chưa đủ”

BS Ngô Việt Hưng (SN 1983) Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu- Bệnh viện Nhi Thanh Hóa sinh ra trong một gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề y. Có lẽ chính vì thế mà ngay từ bé anh đã có ước mơ lớn lên cũng sẽ theo nghề truyền thống của gia đình, được khoác trên mình chiếc áo blu trắng.

Anh kể chuyện mình được sớm tiếp xúc với người bệnh tại cơ sở điều trị của mẹ. Ngày đó, dù còn nhỏ nhưng anh hiểu người bệnh họ cần sức khỏe như thế nào, những người nghèo khi đến bệnh viện điều trị khó khăn ra sao. Từ suy nghĩ đó, anh thấy mình càng phải cố gắng để trở thành một bác sỹ. Cái ước mơ của anh sau này đã trở thành hiện thực.

Nghị lực phi thường của bác sĩ trẻ - 1

Bác sĩ Hưng luôn tự nhủ, chỉ đam mê, tâm huyết thôi chưa đủ mà phải có trách nhiệm, bản lĩnh, không ngừng học hỏi.

Năm 2007, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa, anh Hưng được phân công công tác tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Ban đầu anh làm việc tại khoa hô hấp, từ năm 2012 đến nay, anh được lãnh đạo tin tưởng giao giữ chức vụ Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu – Khoa đặc biệt với nhiệm vụ liên tục tiếp nhận bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Hơn 12 năm trong nghề, BS Hưng luôn tự nhủ, chỉ đam mê, tâm huyết thôi chưa đủ mà phải có trách nhiệm, bản lĩnh, không ngừng học hỏi. Bác sĩ luôn phải xem thời gian của bệnh nhân là thời gian vàng. Từng giờ, từng phút từng giây đều phải nỗ lực, phải tận dụng. Muốn là một bác sỹ giỏi phải quyết tâm chiến đấu tới cùng với bệnh tật của bệnh nhân, không thỏa hiệp bằng lòng với những điều chưa rõ ràng ở người bệnh.

Suốt 12 năm trong nghề, anh Hưng vẫn không quên một trường hợp đặc biệt bệnh nhân 6 tuổi ở huyện Thiệu Hóa bị rắn độc cắn. Thời điểm đó, những trường hợp như thế này Bệnh viện Nhi Thanh Hóa phải chuyển tuyến trên.

Anh bảo, nhớ như in ánh mắt của người mẹ trẻ, đó là một hình ảnh anh không bao giờ quên. Ánh mắt ấy khiến người bác sỹ như anh phải cố gắng hết sức để cứu đứa trẻ. Tôi và đội ngũ y bác sĩ trong khoa xin ý kiến hội chẩn từ đội ngũ bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai. Rất may, cháu bé sau đó đã được cứu chữa. Sau hai tuần thì được xuất viện về nhà. Từ đó, những bệnh nhân bị rắn cắn, chúng tôi đã có thể cứu chữa được mà không cần phải chuyển tuyến trên.

Đồng cảm với bệnh nhân để chia sẻ và yêu thương

Năm 2015, 32 tuổi đời, bao dự định, khát vọng với nghề đang ở những tháng ngày đẹp nhất thì bác sĩ Hưng phải đón nhận hung tin, đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo. Sợ ảnh hưởng đến công việc học của vợ, anh đã dấu vợ hơn 1 năm trời cho đến khi vợ anh học xong.

Nghị lực phi thường của bác sĩ trẻ - 2

Bác sỹ luôn lấy công việc làm niềm vui, động lực để vượt qua bệnh tật.

Một mặt phải vượt qua nỗi khổ tâm lý, điều trị bệnh, mặt khác anh say sưa với công việc thăm khám, điều trị cho bệnh nhân, cũng từ đó anh tìm thấy sự đồng cảm để sẻ chia và yêu thương.

 Ngồi trò chuyện với tôi, BS Hưng vẫn giữ cho mình sự điềm tĩnh đến kỳ lạ. Ánh mắt anh vẫn đong đầy niềm lạc quan về tương lai với nụ cười chân thành và đầy khát vọng sống. Tôi cảm nhận được một nội lực sống tràn trề ẩn sâu trong cơ thể gầy gò vì bệnh tật.

 “Ốm đau là bất khả kháng không ai tránh được quan trọng là mức độ thế nào thôi. Khi mình cũng là bệnh nhân mình mới thấy đồng cảm và yêu thương người bệnh của mình hơn bao giờ hết, mới thấy người ta đặt niềm tin vào y tế thế nào. Đó vừa là động lực, trách nhiệm và cố gắng tạo niềm tin cho chính mình bởi vì nếu chúng ta không lạc quan thì sẽ không vượt qua được khó khăn kể cả là bệnh tật”, BS. Hưng tâm sự.

Nghị lực phi thường của bác sĩ trẻ - 3

Với bác sỹ Hưng, đồng cảm với bệnh nhân để chia sẻ và yêu thương.

BS Hưng cũng thừa nhận công việc chính là niềm vui, là phương thuốc tốt nhất để anh vượt qua bệnh tật.

Nói về BS Hưng, BSLê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa chia sẻ: “BS Hưng là một tấm gương mà tôi luôn lấy làm gương cho mọi người học tập. Một nhân tố đặc biệt trong một khoa rất đặc biệt. Dù bị bệnh nhưng bạn ấy vẫn làm việc như một người khỏe mạnh bình thường, cứ khuyên bạn ấy nghỉ nhưng bạn ấy rất yêu nghề, khi nào ốm nghỉ vài hôm thôi rồi lại làm bình thường”.

Tạm biệt BS Hưng, vẫn chiếc áo blu trên người, anh lại ân cần trong từng cử chỉ, lời nói, chăm lo cho những số phận còn lại. Có lẽ, lúc này bác sĩ Hưng không nhận mình là bệnh nhân, cũng không ai cảm nhận được con người ấy đang mang trong mình căn bệnh quái ác.

Bình Minh