Nghỉ càng nhiều càng mệt!

Mệt mỏi, trầm lắng và kém tươi tỉnh khi trở lại với công việc sau kỳ nghỉ lễ, Tết khá dài ngày là cảm giác chung của không ít người

Trước khi nghỉ, hầu như ai cũng háo hức và hy vọng kỳ nghỉ sẽ giúp mình “làm mới” bản thân, sau đó trở lại cuộc sống thường nhật, công việc với nguồn năng lượng dồi dào hơn. Thế nhưng, thực tế thường không dễ chịu như vậy.

Nghỉ cho ra nghỉ

Làm ở một công ty tư nhân, đợt Tết này nghỉ đến mùng 10 âm lịch mới đi làm lại nên anh Trần Xuân T. (37 tuổi) đặt vé cho gia đình đi nghỉ dưỡng ở một khu du lịch biển. “Năm ngoái, tôi cũng được nghỉ dài ngày nên đưa gia đình đi chơi đây đó, có cả leo núi và viếng chùa. Lúc đi thì vui lắm nhưng khi về thành phố, đi làm lại thì mệt không thể tả, cứ vật vờ cả mấy ngày, tay chân thì đau nhức” - anh T. cho biết.

Trường hợp của ông Nguyễn Trường V. (47 tuổi) thì còn mệt mỏi hơn. Sau kỳ nghỉ dài, ông phải năn nỉ sếp để được… nghỉ phép thêm ít ngày bởi các khớp xương đau nhức đến mức đi không nổi, bụng thì cứ lình xình, da lại ngứa ngáy do ăn phải thứ gì đó không biết. Chưa kể, ông suýt gặp nguy vì chứng tiểu đường đột ngột trở nặng do có hôm đi chơi dã ngoại mà quên đem thuốc.

Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, hiện tượng mệt mỏi, uể oải, không muốn làm việc sau nhiều ngày nghỉ không chỉ vì cơ thể chưa kịp bắt nhịp lại với cuộc sống, công việc thường nhật mà còn do không nghỉ ngơi thực sự trong những ngày nghỉ. Những bữa tiệc linh đình với nhiều món ngon vật lạ, rượu bia hay các chuyến du Xuân… có thể lấy đi sức lực nhiều hơn ta tưởng. Phương thuốc duy nhất là hãy để cơ thể được thực sự nghỉ ngơi.


Hãy lên giường ngủ một giấc sâu để lấy lại sức thay vì cứ vật vờ cả ngày (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Hãy lên giường ngủ một giấc sâu để lấy lại sức thay vì cứ vật vờ cả ngày (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Lấy lại sức không khó

Lương y Đinh Công Bảy cho biết một trong những nguyên nhân hàng đầu có thể gây mệt mỏi sau kỳ nghỉ là… thiếu ngủ. Nhiều người vẫn tưởng mình đã ngủ đủ vì lắm phen “gục tại trận” trong các cuộc nhậu hay ngủ cả ngày trên chuyến xe giường nằm, trên tàu hỏa… nhưng thực ra, những giấc ngủ dạng đó thường không chất lượng. Do vậy, đừng gắng gượng mà hãy lên giường ngủ một giấc sâu thay vì cứ vật vờ cả ngày.

Phiền toái thứ hai hay gặp là hệ tiêu hóa “nổi dậy” với đủ thứ vấn đề. Tốt nhất là hãy dành hẳn một ngày ăn ít và thanh đạm với các món dễ tiêu, rau xanh, hoa quả; uống nhiều nước, kiêng bia rượu… để giúp cân bằng trạng thái.

Góp thêm giải pháp cho vấn đề này, theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Ngọc Hớn, Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM), tốt nhất hãy sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và để dành cho mình 1 ngày (với các kỳ nghỉ dài) hoặc ít nhất 1 buổi tối thư thả (với các kỳ nghỉ ngắn vài ngày). Ví dụ, thay vì đi về quê chơi trọn 1 tuần thì hãy trở về sớm 1 ngày. Trong ngày này, nên nghỉ ngơi nhưng không có nghĩa là nghỉ một cách thụ động mà hãy làm những việc nhẹ nhàng như sắp xếp lại nhà cửa, chuẩn bị cho công việc ngày mai…

Về những cơn đau mỏi rã rời sau những kỳ nghỉ dài, bác sĩ Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, lý giải hiện tượng này hay gặp ở người uống bia nhiều trong các buổi tiệc. Bia là thức uống lợi tiểu và khi đi tiểu nhiều thì lượng kali trong máu sẽ giảm. Nồng độ kali trong máu giảm sẽ gây hiện tượng đau mỏi, yếu cơ và đó là lý do nhiều người cảm thấy “nhấc chân tay lên không nổi”. Tất niên rồi tân niên, những buổi tiệc nối tiếp nhau làm cho tình trạng thiếu hụt kali thêm trầm trọng.

Hạ kali máu có thể gây những biến chứng nguy hiểm như yếu liệt song nếu chỉ thiếu hụt do dùng thức uống lợi tiểu nhiều thì không nên quá lo lắng. Thông thường, người trẻ uống không quá nhiều có thể thoát khỏi cảm giác mỏi cơ sau một đêm ngủ dậy nhưng người lớn tuổi thì có thể gặp phiền toái lâu hơn. Để giải quyết, có thể chuẩn bị sẵn thuốc bổ sung kali vốn khá rẻ và có thể tìm mua ở nhà thuốc. Ăn bổ sung thực phẩm giàu kali cũng là điều nên làm.

Có bệnh, đừng quên tái khám

Theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn, với người đang điều trị các bệnh lý mạn tính, ngoài việc khám trước kỳ nghỉ, mang theo thuốc khi đi xa còn phải nhớ kỹ lời hẹn tái khám. Sau một kỳ nghỉ dài, thay đổi về môi trường, chế độ sinh hoạt, ăn uống…, không loại trừ khả năng có những yếu tố bất lợi tác động đến bệnh, cần được giải quyết.

Ngoài ra, ngay cả những người trước đây vốn khỏe mạnh, nay nếu thấy sức khỏe bất ổn sau kỳ nghỉ - như: mệt mỏi đến mức không gượng dậy nổi, cơ thể đau nhức không đi được hay có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa nặng - thì nên đến cơ sở y tế kiểm tra.

Theo Anh Thư

Người lao động