Nghệ sĩ Thanh Tuấn ngưng tim "hồi sinh" thần kỳ, hát tặng bác sĩ cứu mình
(Dân trí) - Nghệ sĩ cải lương Thanh Tuấn bị nhồi máu cơ tim cấp, tắc 3 nhánh mạch vành kèm mạch máu vôi hóa nặng. Khi vào Bệnh viện Chợ Rẫy, ông đã ngưng tim, ngưng thở.
Chiều 9/4, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã can thiệp điều trị thành công cho NSND Thanh Tuấn, sau khi ông bị nhồi máu cơ tim nguy kịch.

Nghệ sĩ Thanh Tuấn bên cạnh những bác sĩ đã cứu sống mình (Ảnh: BV).
Nghệ sĩ cải lương ngưng tim, ngưng thở khi vào viện
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) của bệnh viện chia sẻ, nghệ sĩ cải lương Thanh Tuấn (tên thật là Nguyễn Thanh L., 75 tuổi), nhập viện vào tối muộn 25/3 trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở.
Trước đó, bệnh nhân phát hiện hẹp mạch vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ từ năm 2006 và điều trị nội khoa kéo dài.
Thời điểm vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng phù phổi cấp, huyết áp tụt, cần duy trì thuốc nâng huyết áp và tăng co bóp cơ tim. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim giai đoạn tối cấp, phù phổi cấp, thiếu oxy não, suy đa cơ quan.
Bệnh nhân được xử lý ban đầu bằng lọc máu liên tục, điều trị hạ thân nhiệt bảo vệ não và hội chẩn liên chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Tim mạch can thiệp, Nội Tim mạch, Rối loạn nhịp, Nội hô hấp, Nội thần kinh.
Tại phòng thông tim, kết quả chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc 3 nhánh mạch vành kèm mạch máu vôi hóa nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Trước tình huống nguy cấp trên, sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định thiết lập ECMO ngay tại phòng thông tim, kết hợp với can thiệp mạch vành.
Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Ích Trung, Phó trưởng khoa Can thiệp tim mạch, bệnh nhân có mảng vôi hóa mạch máu cứng như xương, do đó các bác sĩ phải dùng đến kỹ thuật ROTA (khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng động mạch) để phá vỡ các mảng xơ vữa này.
Sau khi tái thông mạch vành thành công, bệnh nhân được đặt tổng cộng 3 stent mạch vành, duy trì ECMO, thở máy, lọc máu liên tục và kiểm soát nhiệt độ bảo vệ não tại khoa ICU.
3 ngày sau khi vào viện, bệnh nhân cai máy thở và tiến dần đến việc cai ECMO. Đến ngày 2/4, nghệ sĩ Thanh Tuấn được chuyển đến khoa Điều trị theo yêu cầu.
"Việc đặt ECMO giúp các bác sĩ can thiệp tim mạch có thời gian để thực hiện kỹ thuật ROTA và thời gian tưới máu tim, đồng thời kiểm soát nguy cơ diễn tiến rối loạn nhịp dẫn đến ngừng tim của bệnh nhân.
Thành công của trường hợp này là việc cứu được bệnh nhân mà không để lại di chứng nào, giúp nghệ sĩ Thanh Tuấn vẫn có thể quay trở lại con đường nghệ thuật", bác sĩ Linh chia sẻ.
Hát vọng cổ tặng các bác sĩ sau khi "hồi sinh"

Nam nghệ sĩ được áp dụng hàng loạt kỹ thuật phức tạp để điều trị (Ảnh: BV).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, động mạch vành của nghệ sĩ Thanh Tuấn gần như đã bít tắc hết và rất cứng như "đóng bê tông". Ngoài ra, mạch máu của bệnh nhân rất giòn, để không bị nứt vỡ, các bác sĩ phải áp dụng kỹ thuật ROTA một cách kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, việc cấp cứu và hồi sức ban đầu rất quan trọng. Đây cũng là trường hợp đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy vừa được can thiệp ECMO, vừa áp dụng kỹ thuật ROTA trong bệnh cảnh choáng tim, ngưng hô hấp tuần hoàn.
Ngồi trên xe lăn, nghệ sĩ Thanh Tuấn gửi lời cảm ơn chân thành từ toàn thể các nhân viên y tế, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đến các học trò và những khán giả luôn theo dõi thông tin và hỗ trợ mình, để giúp ông như được sinh ra lần thứ 2.
Dù mới hồi phục, nghệ sĩ Thanh Tuấn cố gắng cất lên những câu ý nghĩa trong bài vọng cổ "Tìm lại cuộc đời", như một lời tri ân gửi đến những người đã cứu mình.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Phi Hùng, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch chia sẻ, theo y văn, những trường hợp nhồi máu cơ tim tối cấp đã biến chứng ngưng tim có tỷ lệ tử vong rất cao (80-90%), hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nhờ việc phối hợp nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa, từ xử trí nhồi máu cơ tim tốt tại khoa Cấp cứu đến Hồi sức tích cực, tim mạch can thiệp, rối loạn nhịp…. đã cứu được bệnh nhân qua cơn nguy kịch, không để lại di chứng.