Ngày 30/7, diễn biến dịch Covid-19 tại TPHCM có dấu hiệu tích cực
(Dân trí) - Ngày 30/7, Việt Nam ghi nhận 8.649 ca mắc mới, trong đó TPHCM có 4.282 trường hợp.
Chủ tịch nước đồng tình việc TPHCM cần thêm thời gian giãn cách
Tại buổi làm việc với UBND huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi chiều 29/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, TPHCM đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt, tích cực nhằm giảm thiểu số ca mắc Covid-19. Ông cũng chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch với địa phương có quy mô lớn, dân số lên tới 10 triệu dân.
"Thời gian qua, TPHCM đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt, tích cực để giảm số ca mắc, giảm thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh TPHCM có trên 10 triệu dân, khó khăn gấp vạn lần các địa phương khác", Chủ tịch nước nhận định.
Thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện nghiêm việc đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện, truy vết, cách ly các F0, F1. Cấp ủy, chính quyền cần nắm rõ, phân công phần việc cụ thể để phát hiện nguồn bệnh, truy vết kịp thời nhằm hạn chế tối đa ca tử vong với phương châm "nước gần phải cứu lửa gần".
"Tôi đồng tình việc thành phố tiếp tục giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa. Thành phố cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp để bảo vệ tính mạng người dân", Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là mục tiêu trên hết và trước hết. Xem thêm tại đây.
Chủ tịch TPHCM: Có thể mất hàng tháng để kiểm soát dịch bệnh
Ngày 30/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo Thành ủy và UBND TPHCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Nhận xét về các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố suốt thời gian qua, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, từ khi áp dụng Chỉ thị 10, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng bình quân 6,1 lần so với thời điểm áp dụng Chỉ thị 19. Khi áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày tăng 7,7 lần thời điểm áp dụng Chỉ thị 10.
Khi thắt chặt các biện pháp của Chỉ thị 16, tốc độ ca nhiễm bình quân đã chậm lại với chỉ 1,5 lần so với thời điểm thực hiện Chỉ thị 15.
"Dù tốc độ tăng đã chậm lại, nhưng số ca nhiễm tuyệt đối mỗi ngày vẫn cao do dịch đã lây lan rộng và sâu trong cộng đồng. Để kiểm soát được dịch, có thể mất hàng tháng, do đó, thành phố có thể tiếp tục kéo dài Chỉ thị 16 thêm 2 tuần, sau ngày 1/8", ông Nguyễn Thành Phong nhận định. Xem thêm tại đây.
Số ca F0 đang đi ngang, có dấu hiệu tích cực
Mở đầu cuộc họp báo chiều 30/7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, việc quan trọng nhất của thành phố hiện nay là làm sao thực hiện thật nghiêm những quy định chống dịch đã ban hành và các chỉ đạo mới nhất của Trung ương.
"Nhìn trên biểu đồ dịch bệnh, có thể thấy số ca F0 đang đi ngang đúng như dự báo. Chúng ta đang cố gắng nỗ lực, nếu thật sự thực hiện nghiêm các quy định đã ban hành, có sự hợp tác của các lực lượng, người dân, tình hình sẽ sớm ổn định, có dấu hiệu tích cực", ông Đức cho biết.
Tuy nhiên, ông Đức lưu ý chữ "nếu" rất quan trọng. Để đẩy lùi dịch bệnh, TPHCM cần sự hợp tác cao nhất, cần mỗi người dân đều thực hiện nghiêm túc các quy định đã được ban hành.
Ông nhắc lại trong buổi họp với thường trực Chính phủ sáng 30/7 cũng như trong các buổi làm việc trước, TPHCM đã đề xuất cùng với đa số các tỉnh trong vùng, thực hiện Chỉ thị 16 trong 1-2 tuần nữa.
Phó Chủ tịch TPHCM cho rằng, tình hình hiện nay mới có dấu hiệu đi ngang, phải kéo giảm dịch bệnh xuống mới có thể yên tâm để tính toán nới lỏng các biện pháp. Xem thêm tại đây.
62.000 shipper được xem xét ưu tiên tiêm vắc xin
Sáng 30/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) thông tin, từ 17h chiều 29/7 đến 6h sáng nay, thành phố có thêm 2.740 ca mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố, nâng tổng số ca bệnh đợt dịch thứ 4 lên hơn 84.500 ca.
Theo HCDC, vắc xin là yếu tố quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch Covid-19. Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ tổ chức tiêm chủng cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền.
Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để mọi người phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm.
Thành phố xem xét ưu tiên tổ chức tiêm vắc-xin cho 62.000 nhân viên giao hàng của các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Xem thêm tại đây.