1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngày 16/12 Hà Nội thêm 1.330 ca Covid-19, cấp thuốc Molnupiravir cho F0 nhẹ

Minh Nhật

(Dân trí) - Tối 16/12, Sở Y tế Hà Nội thông tin trên địa bàn đã phát hiện thêm 1.330 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 574 ca cộng đồng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong số 1.330 ca bệnh ghi nhận hôm nay có 574 ca cộng đồng, 503 ca tại khu cách ly, 253 ca tại khu phong tỏa.

Phân bố 1.330 bệnh nhân tại 217 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện: Hai Bà Trưng (436), Long Biên (239), Hoàng Mai (113), Thanh Trì (106), Nam Từ Liêm (100), Hà Đông (64), Gia Lâm (39), Đống Đa (37), Bắc Từ Liêm (35), Cầu Giấy (34), Tây Hồ (27), Ba Đình (22), Hoài Đức (11), Ba Vì (11), Hoàn Kiếm (9), Chương Mỹ (8), Thanh Xuân (7), Đông Anh (5), Phúc Thọ (5), Sơn Tây (4), Đan Phượng (3), Sóc Sơn (3), Thường Tín (3), Thạch Thất (3), Mê Linh (3), Phú Xuyên (một), Thanh Oai (một), Mỹ Đức (một).

Ngày 16/12 Hà Nội thêm 1.330 ca Covid-19, cấp thuốc Molnupiravir cho F0 nhẹ - 1

Phân bố 574 ca cộng đồng theo quận, huyện: Phân bố tại 168 xã phường thuộc 25/30 quận huyện: Hai Bà Trưng (127), Hoàng Mai (93), Long Biên (85), Hà Đông (43), Thanh Trì (38), Bắc Từ Liêm (28), Tây Hồ (26), Đống Đa (23), Nam Từ Liêm (23), Gia Lâm (22), Cầu Giấy (16), Ba Đình (15), Hoàn Kiếm (6), Hoài Đức (5), Thanh Xuân (5), Đông Anh (4), Ba Vì (4), Thạch Thất (2), Sóc Sơn (2), Chương Mỹ (2), Đan Phượng (một), Thanh Oai (một), Phú Xuyên (một), Mê Linh (một), Phúc Thọ (một)

Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 22.797 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 8.797 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 14.000 ca.

Trong bản tin tối 16/12, Bộ Y tế công bố Hà Nội ghi nhận 423 F0 mới. Việc có sự chênh lệch số ca bệnh mới trong ngày giữa công bố của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội là do khác thời điểm chốt số liệu của 2 bên. Các ca F0 mới này vẫn khớp mã số công bố trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã ban hành quy trình triển khai Chương trình sử dụng thuốc kháng virus (Molnupiravir) có kiểm soát trên cộng đồng cho người mắc Covid-19 thể nhẹ tại Hà Nội.

Quy trình áp dụng cho tất cả các nhân viên y tế tại các bệnh viện (bao gồm cả các điểm thu dung của các bệnh viện), TTYT cấp huyện, trạm y tế cấp xã (kể cả trạm y tế lưu động), đăng ký tham gia chương trình điều trị thuốc kháng virus cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm tiếp nhận thuốc chương trình, bàn giao cho Bệnh viện đa khoa Đống Đa quản lý, cấp phát. Quản lý, đôn đốc việc nhập liệu hàng ngày lên phần mềm trực tuyến của các cơ sở tham gia chương trình. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, cấp phát thuốc Molnupiravir của các cơ sở.

Bệnh nhân được tham gia chương trình là người có kết quả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR dương tính trong vòng 5 ngày; từ 18 tuổi trở lên; cam kết đồng ý tham gia chương trình bằng văn bản và không có các chống chỉ định dùng thuốc. Trong trường hợp bệnh nhân được cách ly điều trị tại nhà phải có văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cách ly tại nhà.

Quy trình cấp phát thuốc kháng virus được thực hiện như sau:

Bước 1. Phân phối thuốc: Bệnh viện đa khoa Đống Đa phân phối thuốc Molnupiravir cho các bệnh viện, TTYT tuyến huyện.

Bước 2. Sàng lọc bệnh nhân: Với trạm y tế cấp xã (cả trạm y tế lưu động) lập danh sách bệnh nhân đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình, thực hiện việc khám sàng lọc, lập hồ sơ bệnh án các trường hợp đồng ý cam kết tham gia chương trình gửi TTYT tuyến huyện.

Với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh được phân công tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, thực hiện điều trị cho bệnh nhân theo các quy trình tại "Sổ tay hướng dẫn chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc Covid-19 thể nhẹ" do Bệnh viện Phổi Trung ương ban hành.

Bước 3. Trạm y tế liên hệ với TTYT lĩnh đủ số lượng thuốc điều trị cho bệnh nhân theo danh sách và cấp cho mỗi bệnh nhân 40 viên Molnupiravir 200mg, ngày uống 2 lần, mỗi lần 800mg (4 viên), uống trong 5 ngày. Hàng ngày liên hệ với bệnh nhân (trực tiếp hoặc qua điện thoại) ghi nhận các sự cố bất lợi (nếu có) trong vòng 14 ngày, báo cáo TTYT hàng ngày để nhập liệu theo quy định của chương trình.

Bước 4. Các đơn vị (cơ sở điều trị, TTYT cấp huyện) cử cán bộ phụ trách nhập liệu hàng ngày lên phần mềm trực tuyến, thực hiện báo cáo định kỳ và lưu trữ hồ sơ bệnh án theo quy định.