Ngành y tế “bỏ ngỏ” tiêu chí bác sỹ/bệnh nhân?
(Dân trí) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chính sách an ninh xã hội, xóa đói giảm nghèo của nước ta chưa bền vững do chuẩn nghèo thấp, phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng. Trong khi đó, ngành y tế đang chạy theo tiêu chí “giường bệnh”, không quan tâm đảm bảo tiêu chí “bác sỹ/bệnh nhân”.
Theo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015, chính sách an sinh xã hội đã được quan tâm đảm bảo, cơ bản hoàn thiện và đi vào ổn định, một số chính sách đã có tác động tốt. Đơn cử như việc phụ nữ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số khi sinh con được hỗ trợ 2 triệu đồng; giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm đối với cán bộ nữ ở cơ sở.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo chưa bền vững do chuẩn nghèo thấp, phân hóa giàu nghèo giữa nông thôn, thành thị ngày càng gia tăng; tình trạng đói nghèo ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số diễn biến phức tạp, đời sống một bộ phận nhân dân, cán bộ ở cơ sở còn nhiều khó khăn.
Nhiều chính sách an sinh xã hội không đủ nguồn lực thực hiện, như: Chính sách hỗ trợ sửa chữa nhà cho các đối tượng chính sách; một số quy định trong Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Một số chính sách chậm hoặc không được triển khai, nhiều địa phương không thực hiện được chính sách những người trên 80 tuổi được vào các trung tâm nuôi dưỡng của Nhà nước vì thiếu cơ sở vật chất. Thêm nữa, một số nơi người dân không muốn thoát nghèo để tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Về y tế, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp thứ 9 của Quốc hội - cho biết, các đại biểu Quốc nêu ý kiến quan tâm đặc biệt tới vấn đề y tế, ghi nhận chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng lên, tình trạng quá tải ở các bệnh viện giảm, nhưng có ý kiến cho rằng, hiện tại chúng ta đang chạy theo tiêu chí “giường bệnh”, không quan tâm đảm bảo tiêu chí “bác sỹ/bệnh nhân”.
Cụ thể, số bác sỹ/bệnh nhân, số bác sỹ chính quy giảm do chỉ tiêu đại học chính quy ngành y rất thấp và chủ yếu được đào tạo chắp vá từ trung cấp lên. Đầu tư về cơ sở vật chất trong lĩnh vực y tế nhiều, nhưng chất lượng dịch vụ chưa được nâng lên tương xứng; vẫn xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ. Thủ tục đi cai nghiện tự nguyện còn rườm rà, phức tạp. Các cơ sở y tế tư nhân phải cạnh tranh không bình đẳng với các bệnh viện công. Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát.
Kiến nghị của các đại biểu là cần đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực y tế; rà soát hệ thống y tế cấp huyện và nên sáp nhập lại như trước, vì hiện nay có bệnh viện huyện, phòng y tế huyện, trung tâm y tế huyện nhưng thực tế nguồn lực chủ yếu tập trung ở bệnh viện huyện, các đầu mối còn lại vận hành không hiệu quả. Các đại biểu đề nghị giải trình rõ nguyên nhân tình trạng thiếu vắc xin trong thời gian qua và đề xuất giải pháp khắc phục. Có giải pháp trong việc cấp chứng chỉ hành nghề cho lương y; giảm bớt thủ tục đi cai nghiện tự nguyện.
Về bảo hiểm y tế, một số đại biểu Quốc hội nêu lên vấn đề nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận bảo hiểm y tế, tỷ lệ mua bảo hiểm y tế tự nguyện giảm mạnh do cách thức thực hiện và hiệu quả truyền thông không cao; quy định mua bảo hiểm y tế bắt buộc theo hộ gia đình còn nhiều vướng mắc về thủ tục, mức đóng cao so với thu nhập của các hộ nghèo - nhiều địa phương phải cho 100% các hộ dân vào diện nghèo, cận nghèo để tiếp cận bảo hiểm y tế.
Chưa hết, số người tham gia bảo hiểm y tế giảm mạnh không hoàn toàn do tác động của quy định mua bảo hiểm theo hộ gia đình, vì thực tế số mua bảo hiểm tự nguyện theo hộ gia đình tuy có giảm ở một số địa phương, nhưng sau khi các thủ tục được quy định thông thoáng hơn, số này tăng khoảng 300.000 người trên cả nước. Thực chất số giảm nêu trên tập trung vào các nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng (người nghèo), ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng (cận nghèo) đã thoát nghèo nhưng không tự bỏ tiền ra mua bảo hiểm y tế và những đối tượng do chủ doanh nghiệp phá sản, giải thể nợ đọng bảo hiểm xã hội (3 đối tượng này chiếm 68% trong tổng số giảm).
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu có lộ trình thực hiện, đảm bảo hộ nghèo không gặp khó khăn trong việc mua bảo hiểm y tế bắt buộc; sửa Điều 12 Luật bảo hiểm y tế theo hướng tách 2 trường hợp đối tượng mua (tự nguyện mua theo từng cá nhân và tự nguyện mua theo hộ gia đình), không nên ràng buộc tất cả phải mua theo hộ gia đình. Đồng thời, đề nghị Chính phủ giải trình về tình trạng số người tham gia bảo hiểm y tế giảm mạnh thời gian qua.
Châu Như Quỳnh