Nên làm gì mỗi sớm mai thức dậy?

Khi thức giấc vào mỗi buổi sáng, nhiều người thường ngồi dậy ngay, thậm chí bật dậy một cách vội vã vì ngủ muộn sợ trễ giờ học, giờ làm.

Điều này là rất bất lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với người có tuổi và cao tuổi, người bị mắc các chứng bệnh như huyết áp thấp, tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não, cơ địa dễ bị rối loạn tiền đình, thoái hóa cột sống... vì có thể gây ra những hậu quả không đáng có. Vậy, nên làm gì khi mỗi sớm mai thức dậy?

Thao tác cơ bản cần làm khi thức dậy
Thao tác cơ bản cần làm khi thức dậy

Theo Đông y, khi mặt trời mọc là lúc âm khí suy và dương khí thịnh, trong cơ thể cũng vậy: vệ khí đã vận hành hết 25 vòng ở âm và bắt đầu vận hành tiếp 25 vòng ở dương, nhân thể chuyển từ tĩnh sang động. Ngủ thuộc âm, thức thuộc dương, đây là lúc chuyển đổi trạng thái mang tính chất bản lề rất cần thiết sự từ tốn và uyển chuyển với những thao tác đơn giản sau đây:

Nằm nguyên trên giường, toàn thân thả lỏng, từ từ thót bụng thở ra cho tận hết rồi từ từ phình bụng hít vào, rồi lại thót bụng thở ra, cứ luân phiên như vậy chừng 10 lần nhằm mục đích đào thải thán khí và tận thu dưỡng khí.

Hai bàn tay hơi khum, các ngón tay hơi xòe ra, từ chân tóc trán đẩy từ từ sao cho các đầu ngón tay sát với da đầu từ trước trán ra tới sau gáy 10 lần để làm cho đầu óc tỉnh táo, kích thích sự hưng phấn của não bộ.

Hai bàn tay đặt chồng lên nhau xoa bụng theo chiều kim đồng hồ với một lực vừa phải chừng 50 vòng sao cho toàn bụng nóng lên là được nhằm giúp khởi động dạ dày ruột và bàng quang, sẵn sàng cho việc đào thải tận hết nước tiểu và các chất cặn bã ra bên ngoài.

Dùng tay trái xát rồi bóp tay phải từ trên xuống dưới rồi từ dưới lên trên và ngược lại trong 1 phút sao cho hai tay ấm lên là được.

Hai chân duỗi thẳng, đồng thời xoay hai bàn chân theo chiều kim đồng hồ 3 vòng rồi ngược lại 3 vòng. Gấp và duỗi hết cỡ khớp gối mỗi bên 5 lần. Gấp khớp gối sao cho cẳng chân và đùi vuông góc rồi từ từ xoay tròn khớp háng xuôi và ngược mỗi chiều 5 vòng, làm lần lượt từng bên một. Cuối cùng hai tay bó gối, hai chân khép vào nhau rồi xoay tròn xuôi ngược mỗi chiều 5 lần.

Toàn thân duỗi thẳng, co chân phải vắt chéo sang chân trái rồi từ từ vặn người sao cho nửa trên cơ thể hướng sang bên phải trong khi cố đưa chân phải sang trái hết cỡ nhằm mục đích khởi động cột sống thắt lưng (ảnh).

Luồn bàn tay phải dưới gáy bóp khối cơ cổ bên trái trong nửa phút rồi làm ngược lại dùng bàn tay trái bóp khối cơ bên phải trong nửa phút. Tiếp đó, dùng hai ngón tay cái đặt vào hai hõm dưới đáy hộp sọ cạnh khối cơ sau gáy (huyệt phong trì) trong khi bốn ngón còn lại xòe ra ôm chặt lấy đầu, tiến hành day ấn trong 1 phút với một lực tương đối mạnh có thể chịu được nhằm mục đích khởi động cột sống cổ và làm tăng lưu lượng tuần hoàn não.

Cuối cùng, lại thả lỏng toàn thân rồi hít thở sâu như động tác đầu tiên. Sau đó hãy ngồi dậy và hoạt động bình thường.

Quy trình trên có thể gọi là bước khởi động sơ bộ ban đầu cho hoạt động của toàn bộ cơ thể sau một đêm ngủ trong trạng thái tĩnh lặng. Điều này hoàn toàn dễ hiểu và cần thiết vì trước khi tiến hành bất cứ một hoạt động thể lực nào chúng ta đều phải thực hành động tác khởi động nhằm giúp cho cơ thể dần dần thích nghi hoàn toàn với sự thay đổi trạng thái.

Theo Th.S Hoàng Khánh Toàn

Sức khỏe và đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm