1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nên "giết sâu bọ" trong Tết Đoan ngọ

Vào ngày Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch, người dân có tục “giết sâu bọ” bằng cách cho trẻ em ăn các loại hoa quả tươi. Có nơi còn nuốt hoa vừng vào đúng giờ ngọ (con trai 7 bông, con gái 9 bông) để được sáng mắt. Tập tục này rất có lợi cho sức khỏe.

Hoa quả tươi cung cấp các loại sinh tố để phòng chống các bệnh do thiếu vitamin vốn rất phổ biến trước đây ở trẻ em mà có lẽ bà con cho là do các loài “sâu bọ” vô hình nào đó gây ra. Vào mùa hè nắng nóng, sức đề kháng giảm, việc bổ sung vitamin qua hoa quả lại càng quan trọng.

 

Thực tế ở trong ruột mỗi người đều tồn tại một số loài “sâu bọ” thật sự mà các loại thực phẩm kể trên không thể “giết” được. Đó là các loại giun sán ký sinh ở người. Hằng ngày chúng gây tác hại lớn đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ em cũng như của người lớn. Nhân dịp Tết Đoan Ngọ, để thật sự “giết sâu bọ”, mỗi người hãy uống một liều thuốc giun nhằm ngăn ngừa các tác hại do chúng gây ra.

 

Kẻ thù của con người

 

Các loài "sâu bọ" có thật trong hệ thống tiêu hóa và tác hại của chúng rất lớn. Cứ 20 con giun đũa mỗi ngày ăn hết 2,8g chất bột và 0,7mg chất đạm. Với số lượng giun đũa đang ký sinh trong hàng chục triệu người lớn và trẻ em nước ta, tính ra mỗi năm chúng tranh hết hàng chục nghìn tấn gạo và hàng chục tấn thịt.

 

Ngoài việc chiếm dụng thức ăn, làm tăng nặng thêm nguy cơ thiếu dinh dưỡng, kìm hãm sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, giun đũa có thể gây ra một số tình trạng cấp cứu ngoại khoa như giun chui ống mật, tắc ruột do giun.

 

Mỗi ngày, một con giun móc hút mất 0,2ml máu, mỗi con giun tóc hút mất 0,005ml máu. Tính ra mỗi năm, chúng lấy đi từ những người bị nhiễm ở Việt Nam hàng triệu lít máu tươi. Trong khi hút máu để sống, loài giun móc còn tiết ra chất chống đông, làm cho máu cứ tiếp tục chảy qua vết cắn ở ruột non.

 

Chúng còn tiết ra chất độc gây ức chế sự sinh sản của hồng cầu trong hệ thống tạo máu của người. Vì vậy, tình trạng thiếu máu càng trở nên trầm trọng, đặc biệt ở chị em phụ nữ (tỷ lệ nhiễm giun móc thường cao hơn nam giới). Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức lao động và sức khỏe sinh sản của chị em mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi (thiếu cân, thiếu máu...).

 

Các loại sán không chỉ gây rối loạn tiêu hóa, giảm sút dinh dưỡng mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư ống mật, tổn thương não (ấu trùng sán cư trú trong não), thậm chí tử vong.

 

Tiêu diệt kẻ thù

 

Qua nhiều nghiên cứu đánh giá cũng như các dự án triển khai, người ta thấy albendazon là loại thuốc phổ rộng, diệt được nhiều loại giun sán (bao gồm giun kim, giun đũa, giun móc, giun tóc, giun lươn, sán bò, sán lợn).

 

Đối với các loài giun kim, giun đũa, giun móc, giun tóc, chỉ cần uống một viên duy nhất 400mg cho cả trẻ em (từ 3 tuổi trở lên) và người lớn, không cần ăn kiêng hay uống kèm thuốc tẩy. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn, không nên dùng thuốc giun ở trẻ em dưới 3 tuổi, phụ nữ có thai, cho con bú, những người đang bị bệnh cấp tính và những người quá suy yếu. 

Theo Sức khoẻ & Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm