Nên cân nhắc khi uống vắc xin ngừa tả
(Dân trí) - Thông tin về số người bị nhiễm tả ngày càng gia tăng khiến nhiều người dân, đặc biệt là người dân sống ở Hà Nội lo lắng. Không ít người bỏ tiền mua đủ loại thuốc phòng ngừa mà không biết rằng mình đã bị lừa.
Đua nhau mua thuốc phòng
Chị Lê Thị Lam ở Thanh Xuân Hà Nội cho biết: Kể từ khi có dịch, ngoài việc cho cô con gái 3 tuổi nghỉ học, chị cũng vọi tìm mua thuốc phòng dịch nhưng đến hiệu thuốc tây nào cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Cuối cùng chị cũng tìm mua được và “tổng động viên” cả nhà uống để cho yên tâm. Riêng gia đình anh Lê Văn Đông, ở phố Tân Mai, Q. Hoàng Mai, do không biết có vắc xin phòng dịch nên lúc đầu, anh tích trữ hàng đống thuốc chữa tiêu chảy cấp như: Loperaminde HCL, Becberin….
Chị Minh Khánh, chủ hiệu thuốc tân dược tại khu vực Ngọc Khánh xác nhận: Gần một tuần nay có rất nhiều người đến hỏi mua “thuốc phòng tả”, thậm chí có người còn nằn nì “đắt mấy cũng mua!”. Và mặc dù không có loại thuốc đó nhưng chị cũng kịp bán cho rất nhiều người các loại thuốc chữa tiêu chảy thông thường với lời dặn: “khi có hiện tượng là uống liền”.
Theo PSG.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ TƯ: Đúng là hiện phòng dịch vụ của Viện hiện có bán vắc xin tả đường uống (có hiệu lực bảo vệ cao) cho những người có nhu cầu. Loại vắc xin này được bán với giá 26.000đồng/liều, trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể sử dụng. Đây là loại duy nhất có khả năng ngừa bệnh tả.
Tuy nhiên, ông Hiển cũng nhấn mạnh: Loại vắc xin này phải uống 2 lần, lần uống sau cách lần uống trước 2 tuần, nghĩa là phải 3 tuần sau vắc xin mới mới có kháng thể bảo vệ và hoàn toàn vô tác dụng đối với những trường hợp đã ủ bệnh trước đó. “Vì vậy nó thường phù hợp với nơi có tình trạng khẩn cấp như vùng lũ lụt thiên tai, nơi không thể có nước sạch để dùng. Còn tại khu vực thành phố Hà Nội hiện nay, vấn đề sử dụng rộng rãi vắc xin tả chưa được khuyến khích, mặc dù chúng tôi có đủ vắc xin để phục vụ nhu cầu của người dân”, ông Hiển cho biết.
Cũng theo ông Hiển, tâm lý quá sốt sắng đi tìm mua “thuốc ngừa tả” của một số người có thể sẽ tạo cơ hội trục lợi của một số đối tượng buôn bán thuốc. Không ít người chưa hiểu biết kỹ về bệnh dịch, cứ nghe lời người bán hàng, thấy có hiện tượng đau bụng, tiêu chảy là tự ý uống thuốc. Đây là sai lầm cực kỳ nguy hiểm vì có thể dẫn đến tình trạng chẩn đoán nhầm bệnh. Không phải ai bị tiêu chảy cũng mắc bệnh tả. Để phòng tránh bệnh, không có gì hiệu quả bằng việc tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm cho bản thân và gia đình, ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ.
Giả danh nhân viên y tế bán “thuốc” phòng dịch
Không chỉ thị trường thuốc tân dược biến động khi có dịch mà các hình thức “ăn theo” cũng bắt đầu nở rộ. Theo cảnh báo của Sở Y tế Hà Nội: từ khi dịch tiêu chảy cấp xuất hiện trên địa bàn Hà Nội, tại một số phường đã xuất hiện các đối tượng tự xưng là cán bộ y tế đến tận các hộ gia đình ép phải mua thuốc phòng dịch và vệ sinh môi trường.
Bà Vũ Quyến ở A6, TT ĐH Ngoại ngữ - Thanh Xuân phản ánh: “Ngay tuần đầu tiên có dịch, một phụ nữ trạc 40 tuổi xưng là nhân viên y tế của Sở, làm công tác phòng chống dịch, đến phát 2 gói thuốc bột và bảo là thuốc “phòng dịch” với hướng dẫn sử dụng: rắc vào bồn cầu sau mỗi lần vệ sinh xong để diệt khuẩn, đặc biệt là khuẩn tả. Nhiều người đã mua 5 – 10 gói để dùng dần với giá “hỗ trợ” của thành phố là 50.000đ/2 gói”. Được biết, hiện tượng này cũng đã xảy ra ở một số khu vực tại quận Hoàng Mai và quận Hai Bà Trưng.
Tuy nhiên, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Sở chưa có chủ trương bán thuốc phòng dịch đến tận hộ gia đình. Loại bột gói mà một số người dân mua phải rất có thể chỉ là hoá chất có tác dụng thông cống, bể phốt vốn rất thông dụng trên thị trường”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Cho đến nay, người dân không phải chi trả bất cứ khoản lệ phí gì trong công tác khử khuẩn. Nếu gia đình có người người mắc tiêu chảy cấp, ngoài việc người bệnh được điều trị miễn phí, cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng sẽ đến tận nơi phun thuốc Cloramin B. Chính vì vậy, mọi hành vi yêu cầu mua thuốc đều là lừa đảo. Hãy báo cho cơ quan chức năng khi gặp các đối tượng này”.
Hà Tĩnh: Gần 200 cán bộ y tế tập huấn về kiểm soát dịch
Sở Y tế Hà Tĩnh, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tổ chức tập huấn cho gần 200 cán bộ, y, bác sỹ các huyện ven biển Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Lộc Hà về phòng chống dịch tiêu chảy cấp, giám sát bệnh, kỷ năng truyền thông và giáo dục sức khoẻ. Hiện Sở Y tế và TT Y tế dự phòng đã tổ chức 2 đội cơ động tuyên truyền cho hàng ngàn hộ sản xuất, chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ hải sản và nhân dân các huyện ven biển để họ biết được căn nguyên của nguồn bệnh, hướng dẫn cho các hộ biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Trung tâm y tế dự phòng chuẩn bị cơ số thuốc và các phương tiện như: 20 máy phun hoá chất, hàng ngàn bộ quần áo bảo hộ, bao tay, 1.000 lít hoá chất và 100.000 gói oresol và nhiều loại dịch chuyền và thuốc kháng sinh khác.
Sở Y tế Lào Cai cũng cho biết, đã chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu. Hiện, Bệnh viện đa khoa số 1 Lào Cai đã chuẩn bị đủ cơ số thuốc và hơn 40 giường bệnh dự phòng, Viện cũng đã có phác đồ điều trị ngay từ ca bệnh đầu tiên nếu xảy ra. |
P. Thanh