1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nắng nóng, bệnh nhân sởi vẫn duy trì ở mức cao

(Dân trí) - Bệnh nhân sởi vẫn duy trì ở mức cao, thêm nhiều bệnh nhi sốt cao co giật, viêm phổi nhập viện nên bệnh viện vẫn chưa thể “hạ nhiệt”.

Bệnh nhân chưa “hạ nhiệt”!

Thời gian qua, tại các bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Nhi (BV Bạch Mai), BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) là những nơi “nóng bỏng” nhất vì tình trạng bệnh nhân sởi nhập viện. Một tuần nắng nóng gay gắt đã khiến các bác sĩ khấp khởi mừng vì chắc chắn số bệnh nhi sởi sẽ giảm, do nắng nóng, vi rút sởi bị tiêu diệt.

Trên thực tế, số bệnh nhân sởi nhập viện tại 3 viện này vẫn duy trì ở mức cao nhưng số ca nặng đã giảm đi. Các bác sĩ dự đoán nếu tiếp tục nắng nóng này, 1-2 tuần nữa lượng bệnh nhi mắc sởi sẽ giảm, nhưng bệnh viện chắc chắn chưa thể “hạ nhiệt” vì các bệnh khác lại tăng lên.

Nắng nóng, bệnh nhân sởi vẫn duy trì ở mức cao
Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), hiện có hơn 100 bệnh nhân nội trú điều trị tại cả hai khoa (khoa Nhi dành riêng cho bệnh nhân sởi và khoa Da liễu dành điều trị cácbệnh nhi khác). Ảnh: H.Hải

Trong ngày 15/5/2014, có 34 trường hợp nghi sởi nhập viện tại 3 bệnh viện này. Cụ thể BV Nhi Trung ương đang điều trị 196 trường hợp sởi, trong đó 9 bệnh nhân mới nhập viện. Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), bệnh nhân sởi nhập viện mới là 10 trường hợp. Tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương có 15 trường hợp sởi mới nhập viện trong ngày.

ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, tại khoa, lượng bệnh nhân đến khám, nhập viện vì những bệnh lý hô hấp, viêm phổi (không do sởi) khá đông.

Theo thống kê tại phòng khám, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 200 bệnh nhi đến khám vì các bệnh lý hô hấp, viêm phổi, ngộ độc thực phẩm, sởi. Bình quân một đêm trực cũng có khoảng 70 - 80 bệnh nhi được đưa đến khám. Trong đó, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện cũng khá cao do viêm phổi, sốt cao co giật.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân của tình trạng nhiều trẻ viêm đường hô hấp, sốt vi rút, viêm phổi phải nhập viện là do ở thời điểm này, môi trường bụi bẩn, nắng nóng, cơ thể trẻ em khó thích ứng với những sự thay đổi đột ngột nóng - lạnh (môi trường phòng điều hòa và nhiệt độ thực tế ngoài trời). Nắng nóng khiến sức đề kháng của nhiều người kém đi, dễ bị các bệnh sốt vi-rút, viêm đường hô hấp.

Tại khoa, ngay trước đợt nóng nóng đã tiến hành rửa sạch hệ thống thông gió, điều hòa, lắp đặt hệ thống chắn gió bên ngoài, tăng cường quạt điện, đảm bảo phòng điều trị nào cũng có điều hòa, có quạt. Tại khu vực khám nhi ngoài khoa khám bệnh, phòng khám, phòng chờ khám đều được lắp đặt điều hòa để chống nóng cho người bệnh.

Khẩn cấp chống nóng cho người bệnh

Trước dự báo mùa hè năm 2014 tiếp tục có những đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện cần khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm giảm tác hại của nắng nóng đến sức khỏe nhân dân.

 

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, đối tượng dễ tổn thương là người già; phụ nữ có thai; trẻ em tại các khu vui chơi giải trí, nhà trẻ; công nhân, nông dân lao động ngoài trời, các lò phát nhiệt; người bệnh đang điều trị các bệnh: tim mạch, bệnh phổi mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường, tiêu chảy mất nước, uống rượu, vẩy nến, chàm, bỏng, cường tuyến giáp…

 

Vì thế, để hạn chế nắng nóng cho người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, tại khoa khám bệnh cần bảo đảm bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; có nước uống miễn phí, tăng cường nhân lực, bố trí đầy đủ bàn khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Tăng cường tinh thần thái độ phục vụ người bệnh trong điều kiện nóng bức.

 

Tại khoa điều trị: tùy theo điều kiện cụ thể, bệnh viện lắp đặt quạt điện đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; cung cấp đủ nước sạch cho người bệnh. Hạn chế tối đa nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện.

 

Bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tai biến mạch não, hô hấp, tiêu hóa, v.v.

Tại cộng đồng, cần có các biện pháp tích cực tuyên truyền cho nhân dân, chủ lao động trên địa bàn hiểu và phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe con người như: say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức; gia tăng bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ; gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm…

 

Để phòng bệnh do nắng nóng ở trẻ nhỏ, nếu có điều kiện thì nên ngồi trong điều hòa, ở nhiệt độ 27-28 độ C, hạn chế đi ra ngoài trời vào lúc nắng đỉnh điểm trong ngày. Khi ngồi phòng điều hòa lưu ý sự chênh nhiệt độ khi bước ra ngoài phòng nóng, bằng cách trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tắt điều hòa, bật quạt, mở cửa ở tại phòng đó 3 - 5 phút để nhiệt độ trong phòng dần tăng lên, cơ thể thích nghi dần rồi mới bước ra ngoài phòng nóng. Cần uống đủ lượng nước trong ngày, từ 1,5 - 2 lít nước. Ăn uống kém do nắng nóng thì cần chế biến các món dễ ăn như súp, bún, ăn nhiều trái cây giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

 Tú Anh

Dòng sự kiện: Dịch bệnh mùa hè 2014