Nâng mũi: Kỹ thuật không khó nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, thậm chí tử vong

Nam Phương

(Dân trí) - Chỉ 5-7 phút sau khi được gây tê để nâng mũi, người phụ nữ 33 tuổi xuất hiện triệu chứng tê quanh miệng, đắng miệng, nhìn mờ, huyết áp tụt... Đây là trường hợp ngộ độc thuốc tê rất điển hình.

Ca tai biến xảy ra mới đây tại một cơ sở thẩm mỹ viện ở TPHCM. Theo báo cáo, chỉ 5-7 phút sau khi được gây tê bằng thuốc lidocaine 2% ở vành tai, người phụ nữ 33 tuổi xuất hiện triệu chứng tê quanh miệng, đắng miệng, nhìn mờ, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.

Bệnh nhân được bác sĩ phòng khám tiến hành hồi sức chống sốc, sau đó chuyển đến bệnh viện để cấp cứu, chạy ECMO. Tuy nhiên, vì tình trạng nặng, người bệnh đã tử vong. Trường hợp này trước đó được chỉ định nâng mũi bằng vật liệu silicon và sụn vành tai.

Theo Tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), đây là trường hợp ngộ độc thuốc gây tê rất điển hình.

Nâng mũi: Kỹ thuật không khó nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, thậm chí tử vong - 1

Khi lựa chọn nơi làm đẹp, chị em cần lưu ý đến những cơ sở y tế được cấp phép (có đủ trang thiết bị, thuốc cấp cứu)... (Ảnh: H.L).

"Ngộ độc thuốc tê diễn ra vô cùng nhanh chóng. Vì thế, nhân viên y tế cần cẩn trọng, bình tĩnh xử lý, nắm bắt các dấu hiệu đáng nghi và đưa ra chẩn đoán ngay tức thì, phối hợp các chuyên khoa đặc biệt là gây mê hồi sức và sử dụng thuốc đúng theo phác đồ. Bộ Y tế đã ban hành phác đồ xử trí ngộ độc thuốc tê.

Khi xử trí cấp cứu đúng sẽ giúp giảm dần những triệu chứng, từ đó giúp giảm nguy cơ tai biến nặng hơn như hôn mê sâu, tử vong", TS Hải nhấn mạnh.

Theo TS Hải, nâng mũi, sửa mũi có thể được chia làm 2 nhóm gồm thủ thuật ít xâm lấn (tiêm chất làm đầy, cấy chỉ nâng mũi) và phẫu thuật nâng mũi. Đa phần phẫu thuật tạo hình mũi là tiểu phẫu, một số trường hợp xếp vào đại phẫu như nâng mũi bằng sụn sườn, sửa cắt chỉnh hình xương mũi… (được gây mê).

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến khi thực hiện các thủ thuật này. Với nhóm 1, nguyên nhân có thể do chất làm đầy, các chất phụ gia trong hỗn hợp chất làm đầy, lidocaine pha kết hợp (liều lượng thấp), chỉ sinh học.

Với nhóm 2, nguyên nhân chủ yếu là thuốc gây tê tại chỗ, thuốc hay dùng ở đây chính là lidocaine. Ngoài ra, thuốc tê cùng nhóm này còn có articaine, mepivacaine phản ứng tương tự. Một số trường hợp gây mê sẽ có phản ứng thuốc gây mê đi kèm (ketamine, propofol, ethilic, nitrogen, isofuran) và các vật liệu nâng mũi (silicon, megaderm…).

TS Hải cho biết thêm, phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt một số phẫu thuật nâng mũi, cắt mí, tiêm chất làm đầy… rất dễ để thực hiện, vì kỹ thuật không khó, đã được cấp phép làm tại phòng khám. Chính vì kỹ thuật dễ thực hiện nên rất nhiều người học theo để làm.

Thực tế, nguyên nhân của hầu hết các biến chứng, tai biến không xuất phát từ kỹ thuật mà từ thuốc tê, những chất tiêm vào cơ thể. Cũng vì thế, các bác sĩ cũng rất cần đi học lớp định hướng cơ bản hoặc thực tập tại chuyên khoa hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức từ 3 đến 6 tháng để có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh xử trí những vấn đề xảy ra khi làm thủ thuật, phẫu thuật.

Chuyên gia cũng khuyến cáo khi có nhu cầu nâng mũi, người dân cần đến những cơ sở y tế được cấp phép (có đủ trang thiết bị, thuốc cấp cứu), thủ thuật phải được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm. Tất cả những chất tiêm, thuốc, vật liệu được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành.

Cơ sở thực hiện phải có hệ thống chăm sóc hậu phẫu, bảo hành và xử lý khắc phục trong và sau làm phẫu thuật, thủ thuật.

Đồng thời, khi sử dụng các chất làm đầy, thuốc tê, vật liệu y tế…, người dân cần hiểu kỹ về những biến chứng nguy cơ, tác dụng phụ không mong muốn. Những can thiệp này cũng cần được thực hiện bởi nhân viên y tế tại cơ sở chuyên khoa (có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu) để tránh xảy ra những tai biến đáng tiếc.