16 điều cần nhớ kỹ khi nâng mũi để không ôm hận vì "bác sĩ tiktok"

Biên Thùy

(Dân trí) - Bác sĩ khuyến cáo, người đi nâng mũi không được để nước đá chảy vào vết thương, không được tự động tháo thanh nẹp cùng những điều cấm kỵ khác.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ khách hàng đến làm đẹp ở những cơ sở trôi nổi, do người không có chuyên môn thực hiện, dẫn đến tai biến thẩm mỹ nặng nề. Điểm chung của hầu hết các sự việc, là người dân bị những chiêu trò quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội (như facebook, tiktok) hấp dẫn, nhầm tưởng người thực hiện là bác sĩ giỏi, nổi tiếng.

Điển hình là sự việc của chị N. (31 tuổi, quê Tây Ninh). Khi theo dõi một tài khoản tên "bác sĩ H.P.Nh" trên tiktok thấy quảng cáo nâng mũi, sửa mũi lỗi "thần kỳ", chị N. quyết định tìm đến thẩm mỹ viện trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TPHCM) làm đẹp với giá 100 triệu đồng.

Tuy nhiên sau đó, mũi chị N. không những không đẹp lên mà còn bị biến chứng nặng nề sau nhiều lần chỉnh sửa, tiêm filler và cấy chỉ. Hậu quả, bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng nề, phải điều trị trong thời gian kéo dài và khó có thể phục hồi trở lại như trạng thái ban đầu.

16 điều cần nhớ kỹ khi nâng mũi để không ôm hận vì bác sĩ tiktok - 1

Mũi bệnh nhân hoại tử nặng sau khi làm đẹp với "bác sĩ tiktok" (Ảnh: N.N.).

Trước đó vào tháng 3/2022, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phát hiện chủ thẩm mỹ viện Sài Gòn C.R (quận Gò Vấp) dù không có chứng chỉ hành nghề nhưng đã thực hiện nâng mũi, cắt môi, cắt mắt cho 3 khách hàng. Cũng trong khoảng thời gian trên, một cô gái 22 tuổi đã tử vong sau 2 tháng nâng mũi "chui" ở một thẩm mỹ viện ở Hà Nội.

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để người dân có đầy đủ kiến thức, từ đó giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng biến chứng khi nâng mũi?

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da Liễu TPHCM, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết, nếu bạn đang có ý định, hoặc vừa thực hiện phẫu thuật nâng mũi để cải thiện nhan sắc, có nhiều điều liên quan đến việc chăm sóc sau mổ cần phải chú ý.

1. Dùng thuốc đầy đủ theo đúng toa của bác sĩ, bao gồm kháng sinh, giảm đau, chống phù nề, thuốc chống sẹo. Thứ hai, thay băng để kiểm tra vết thương trong vòng 24h sau phẫu thuật.

2. Phải tái khám đúng theo lịch hẹn. Đó là ngày thứ 5 và thứ 10, sau đó là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm sau phẫu thuật.

3. Có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Kiêng một số thức ăn gây dị ứng với bản thân.

16 điều cần nhớ kỹ khi nâng mũi để không ôm hận vì bác sĩ tiktok - 2

Tiêm filler nâng mũi không đúng kỹ thuật có thể dẫn đến biến chứng mù lòa (Ảnh: BS).

4. Hạn chế va chạm hoặc tì đè vào khu vực mới làm phẫu thuật vì có thể gây chảy máu, tụ máu.

5. Chườm lạnh trong vòng 2 ngày đầu sau phẫu thuật để giúp giảm sưng tấy. Lưu ý không được để nước đá chảy vào vết thương gây nhiễm khuẩn và tránh bỏng lạnh.

6. Chườm ấm từ ngày thứ 3 trở đi để giảm sưng và thâm tím.

7. Súc miệng và họng 2 tiếng/lần với nước muối hay dung dịch pha sẵn.

8. Không được tự động tháo thanh nẹp và phần băng trên vùng phẫu thuật.

9. Vệ sinh vết mổ bằng nước muối sinh lý và thuốc mỡ Betadine ngày 2 lần. Vệ sinh vùng mũi bằng gạc sạch và nước cất.

10. Cắt chỉ sau phẫu thuật 10 ngày và phải đúng hạn.

11. Không được đi bơi hay xông hơi trong ít nhất 4 tuần sau phẫu thuật.

12. Không đeo kính, không tập thể thao trong ít nhất 4 tuần sau phẫu thuật.

13. Có thể gội đầu và tắm ngay sau khi phẫu thuật nhưng tránh để nước tiếp xúc với vùng phẫu thuật. 

14. Lau mặt bằng khăn mềm cho đến khi cắt chỉ. Sau khi cắt chỉ thì có thể trang điểm bình thường.

16 điều cần nhớ kỹ khi nâng mũi để không ôm hận vì bác sĩ tiktok - 3

Bác sĩ cảnh báo người dân không nên dại dột đến những cơ sở trôi nổi nâng mũi, nguy cơ gây hậu quả nặng nề (Ảnh: BS).

15. Vết thâm tím khi nâng mũi sẽ cải thiện dần trong khoảng 2 tuần, nếu thực hiện đúng kỹ thuật.

16. Người nâng mũi có thể đội mũ hoặc bôi kem chống nắng lên các vết thâm tím, để tránh hình thành vệt nám do ánh nắng chiếu trực tiếp lên da.

Các bác sĩ chia sẻ, việc tiêm filler nâng mũi có thể dẫn đến những nguy cơ, biến chứng như tắc mạch máu, hoại tử nếu làm sai kỹ thuật, nên cần hết sức cân nhắc khi chọn thực hiện. Đặc biệt, nếu mũi từng chỉnh sửa thì các cấu trúc về mạch máu, giải phẫu, hệ thống cơ đã thay đổi, nên chống chỉ định tiêm filler.

Người dân phải hết sức tỉnh táo khi muốn làm đẹp. Không nên dại dột đến những cơ sở trôi nổi, để người không được đào tạo, không nắm vững chuyên môn can thiệp thẩm mỹ, gây hậu quả nặng nề.