1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nấm linh chi - một dược liệu quý

Giới chuyên môn cho biết, nấm linh chi có tác dụng trên một số bệnh như đau thắt cơ tim, bệnh ở mạch vành của tim, huyết áp không ổn định, viêm phế quản.

Tên khoa học: Ganoderma lucidum (Leyss.ex. Fr.) Karst. Thuộc họ nấm gỗ: Ganodermataceae.

Còn gọi là linh chi thảo (lingzhi), tam tú, mộc linh chi, tiên thảo, nấm linh chi, nấm trường thọ…

Linh chi là một loại nấm hóa gỗ có cuống dài hoặc ngắn, mũ nấm có dạng hình thận, có dạng hình tròn hay hình quạt. Cuống thường cắm không ở giữa mũ nấm mà cắm lệch sang một phía mũ. Hình trụ tròn hay dẹt có thể phân nhánh cuống, có màu khác nhau tùy theo loài. Mặt trên bóng như đánh véc ni, trên mặt mũ có những vân đồng tâm.

Tính vị quy kinh: Vị ngọt, tính ấm. Không độc. Đi vào kinh tâm, can, tỳ, phế, thận.

Công dụng: Tư bổ cường tráng, an thần định chí, bổ trung kiện vị, chỉ khái bình suyễn.

Thành phần hóa học: Chủ yếu chứa polysaccharides, triterpenes, ganoderic acid, germanium, steroid, một số vitamin và khoáng chất…

Tác dụng dược lý: Cải thiện chức năng tim mạch, cường tim, tác dụng giảm huyết áp. Có tác dụng chống kích tập tiểu cầu và chống huyết khối thấy rõ. Đối với hệ hô hấp có tác dụng khu đàm, chỉ khái, bình suyễn. Tác động chức năng trao đổi chất và nội tiết, có tác dụng bảo vệ gan. Có tác dụng chống oxy hóa mà trì hoãn lão hóa,  kháng viêm và chống khối u. Đối với tổn thương do phóng xạ có hiệu quả phòng vệ nhất định, do có tác dụng tăng cường miễn dịch. Đối với hệ thần kinh có tác dụng trấn tĩnh, giúp nâng cao trao đổi chất, tăng chức năng miễn dịch. Đối với các cầu khuẩn và que khuẩn như Pneumococcus, Streptococcus, Staphyloccus và Hemophilus influenzae có tác dụng ức chế.

Linh chi dùng để chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe, tối thiểu đã có 3.000 năm lịch sử. Người Nhật và Hàn Quốc gọi linh chi là "nấm hạnh phúc", cỏ không chết (bất tử thảo), cỏ tiên (tiên thảo)... Linh chi, sống hoang dã trong rừng núi ẩm thấp, ký sinh trên cây. Do môi trường sinh trưởng và thời gian thu hái khác nhau, nên có hơn hàng trăm chủng loại. Trong đó "ngũ sắc linh chi" với 5 màu: xanh, vàng, nâu, trắng, đen và tím có giá trị dược tính cao nhất.

Nấm linh chi  - một dược liệu quý - 1

Hoàng chi: Màu vàng, vào tỳ, vị ngọt, không độc, tính bình. Chủ trị các bệnh nội tạng, nhất là bệnh phụ khoa và chứng viêm mạn tính; có tác dụng kiện tỳ, an thần.

Thanh chi: Màu xanh, vào can, vị hơi chua, tính bình. Có tác dụng bổ gan sáng mắt, tăng cường chức năng phổi; giúp tinh thần tập trung và tăng trí nhớ.

Xích chi:  Màu nâu, vào tim, vị hơi đắng, tính bình, không độc. Chủ trị nôn ngược. Có tác dụng bồi bổ tim mạch, tăng cường trí nhớ, kéo dài tuổi thọ.

Tía chi: Màu tím, đi vào cả gan, thận. Vị ngọt không độc, tính ôn hòa. Chủ trị ù tai, ích tinh khí, cường kiện gân xương, bổ thận.

Hắc chi: Màu đen, vào thận, vị hơi mặn mà tính bình. Chủ trị tiểu tiện không thông; bổ thận, lợi tiểu.

Bạch chi: Màu trắng, vào phổi, vị cay nóng, tính bình. Chủ trị mũi dị ứng, ho khan và khó thở, tác dụng bổ phổi.

Giới chuyên môn cho biết, nấm linh chi có tác dụng trên một số bệnh như đau thắt cơ tim, bệnh ở mạch vành của tim, huyết áp không ổn định, viêm phế quản, thấp khớp, viêm gan mạn, bệnh phụ nữ thời kỳ mãn kinh, bệnh đường tiêu hóa, tiểu đường… Ứng dụng trên lâm sàng,  dùng nấm linh chi chữa choáng váng, mất ngủ, hồi hộp, thở ngắn, suy nhược, ho suyễn. Y học hiện đại còn dùng nấm linh chi chữa thần kinh suy nhược, bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, viêm phế quản mạn tính và dị ứng hen suyễn…

DS. BÀNG CẨM

Theo suckhoedoisong.vn