Nam giới có nên tiêm vắc xin HPV?

Hà An

(Dân trí) - Không chỉ gây ung thư cổ tử cung, virus HPV có thể dẫn đến mụn cóc sinh dục và ung thư hậu môn ở cả phụ nữ và nam giới, ung thư dương vật.

Virus HPV có gây ung thư ở nam giới?

Theo Webmd, Human papillomavirus (HPV) là loại virus gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và mụn cóc sinh dục ở nam giới và phụ nữ. Tiêm vắc xin ngừa HPV có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm các loại HPV gây ra hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung và cũng có thể ngăn ngừa mụn cóc sinh dục. Tiêm vắc xin HPV có hiệu quả nhất trong thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên, nhưng người lớn cũng có thể được hưởng lợi từ việc tiêm ngừa HPV.

Nhiễm HPV là cực kỳ phổ biến. Hầu hết những người có quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời. Nhiễm HPV thường không gây ra triệu chứng, nhưng có thể gây ra mụn cóc sinh dục và ung thư hậu môn ở cả phụ nữ và nam giới. HPV cũng có thể gây ung thư vòm họng.

Nam giới có nên tiêm vắc xin HPV? - 1

Nam giới không thể mắc ung thư cổ tử cung, nhưng tiêm vắcxin HPV có thể ngăn ngừa mụn cóc sinh dục, ung thư dương vật, ung thư hậu môn và sự lây lan của HPV cho bạn tình. Gardasil 9 được chấp thuận cho nam giới từ 9 đến 26 tuổi.

Vắc xin được khuyến cáo cho tất cả mọi người từ 26 tuổi trở xuống. Một số người lớn từ 27-45 tuổi có thể tiêm sau khi nói chuyện với bác sĩ của họ.

Trong khi đó, theo CDC Hoa Kỳ, HPV có thể gây ra mụn cóc sinh dục hoặc ung thư. Vì thế, tiêm vắc xin chống lại HPV có thể giúp ngăn ngừa những vấn đề sức khỏe này.

Bản thân HPV không phải là ung thư nhưng nó có thể gây ra những thay đổi trong cơ thể dẫn đến ung thư. Nhiễm trùng HPV thường tự biến mất nhưng nếu không, chúng có thể gây ra một số loại ung thư. Chúng bao gồm ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, ung thư dương vật ở nam giới và ung thư hậu môn ở cả phụ nữ và nam giới. HPV cũng có thể gây ung thư ở phía sau cổ họng, bao gồm cả đáy lưỡi và amidan (được gọi là ung thư hầu họng). Tất cả những bệnh ung thư này đều do nhiễm trùng HPV mà không khỏi.

Người ta không biết tại sao một số người phát triển các vấn đề sức khỏe do HPV và những người khác thì không.

Ung thư phát triển rất chậm và có thể không được chẩn đoán cho đến hàng năm, hoặc thậm chí hàng thập kỷ, sau khi một người bị nhiễm HPV lần đầu tiên. Hiện tại, không có cách nào để biết ai sẽ chỉ bị nhiễm HPV tạm thời và ai sẽ bị ung thư sau khi nhiễm HPV.

Nam giới có nên tiêm vắc xin HPV? - 2

Mặc dù HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất, nhưng các bệnh ung thư liên quan đến HPV không phổ biến ở nam giới.

Một số nam giới có nhiều khả năng phát triển các bệnh ung thư liên quan đến HPV:

- Nam giới có hệ thống miễn dịch yếu (bao gồm cả những người nhiễm HIV) bị nhiễm HPV có nhiều khả năng phát triển các vấn đề sức khỏe liên quan đến HPV.

- Nam giới quan hệ tình dục qua đường hậu môn có nhiều khả năng bị nhiễm HPV hậu môn và phát triển ung thư hậu môn.

Tuổi nào nên tiêm vắc xin HPV?

Tại Hoa Kỳ, việc tiêm vắc xin HPV được khuyến khích cho:

- Trẻ ở tuổi 11 hoặc 12 tuổi (hoặc có thể bắt đầu từ 9 tuổi)

- Tất cả mọi người từ 26 tuổi trở lên, nếu chưa được tiêm vắc xin.

Một số nam giới từ 27 đến 45 tuổi chưa được tiêm vắc xin HPV có thể quyết định tiêm sau khi nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ nhiễm HPV mới và những lợi ích có thể có của tiêm vắc xin. Tiêm vắc xin trong độ tuổi này mang lại ít lợi ích hơn. Hầu hết những người trưởng thành có quan hệ tình dục đều đã từng tiếp xúc với HPV, mặc dù không nhất thiết là tất cả các loại HPV được nhắm mục tiêu bởi tiêm chủng.

Hiện nay, không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho virus HPV nên việc tiêm phòng HPV bằng vắc xin là rất quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện tại các khuyến cáo tiêm vắc xin HPV là dành cho nữ trong độ tuổi 9 - 26 tuổi. Ngoài độ tuổi này và nam giới chưa được khuyến khích.