1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nam giới ăn nhiều đậu phụ có bị "nữ hóa"?

Nam Phương

(Dân trí) - Một số nhà khoa học lo ngại rằng việc hấp thụ nhiều phytoestrogen có thể phá vỡ sự cân bằng nội tiết tố của cơ thể. Phytoestrogen được nghiên cứu nhiều nhất là isoflavone đậu nành.

Khi nói đến sức khỏe nam giới, các nhà khoa học lo ngại nhất là việc tiếp xúc quá nhiều với phytoestrogen có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới. Vậy liệu nam giới ăn nhiều các sản phẩm từ đậu nành có bị suy giảm khả năng sinh sản không?

Trên thực tế, phytoestrogen được phân loại là chất gây rối loạn nội tiết. Đây là những hóa chất có thể can thiệp vào hệ thống nội tiết tố của cơ thể khi tiêu thụ ở liều lượng đủ cao.

Tuy nhiên, theo Healthline, không có nhiều bằng chứng cho thấy phytoestrogen có tác dụng có hại ở người.

Nam giới ăn nhiều đậu phụ có bị nữ hóa? - 1

Hầu hết các bằng chứng đều chỉ ra rằng isoflavone, có trong đậu nành, không ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của nam giới (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Cụ thể, một nghiên cứu trên loài báo gêpa chỉ ra rằng việc tiêu thụ nhiều phytoestrogen làm suy giảm khả năng sinh sản của con đực. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng phytoestrogen có thể có tác dụng khác nhau ở động vật ăn thịt, chẳng hạn như loài báo, so với động vật ăn tạp, như con người.

Trên thực tế, không có bằng chứng mạnh mẽ nào liên quan đến việc hấp thụ nhiều phytoestrogen với các vấn đề về khả năng sinh sản ở người.

Phytoestrogen được nghiên cứu nhiều nhất là isoflavone đậu nành.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng isoflavone có thể ức chế chức năng tuyến giáp ở những người có chức năng tuyến giáp kém, được gọi là suy giáp. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu ở người khỏe mạnh đều không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ đáng kể nào giữa isoflavone và chức năng tuyến giáp.

Hiện tại, không có bằng chứng xác thực nào cho thấy các phytoestrogen thông thường khác có tác dụng phụ đối với sức khỏe con người.

Một phân tích của 15 nghiên cứu có kiểm soát đã kết luận rằng isoflavone đậu nành, dù có trong thực phẩm hay chất bổ sung, đều không làm thay đổi nồng độ testosterone ở nam giới.

Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy rằng dùng 40mg chất bổ sung isoflavone mỗi ngày trong hai tháng không làm giảm chất lượng hoặc số lượng tinh dịch của nam giới.

Như vậy, hầu hết các bằng chứng đều chỉ ra rằng isoflavone, một nhóm phytoestrogen phổ biến, không ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của nam giới. Không có bằng chứng mạnh mẽ nào chứng minh rằng phytoestrogen gây ra vấn đề ở nam giới khỏe mạnh.

Phytoestrogen có nhiều trong nhiều loại thực phẩm thực vật tốt cho sức khỏe. Trong phần lớn các trường hợp, lợi ích của việc ăn những thực phẩm này lớn hơn những nguy cơ sức khỏe có thể xảy ra.

Đậu phụ có thể có những rủi ro và tác dụng phụ gì?

TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết, dị ứng đậu nành cũng rất phổ biến. Nếu chúng ta bị dị ứng với đậu nành, điều rất quan trọng là tránh đậu phụ và các sản phẩm đậu nành khác. 

Những người có tiền sử mắc bệnh ung thư nhạy cảm với nội tiết tố, chẳng hạn như ung thư vú, có thể chọn tránh các sản phẩm từ đậu nành do hàm lượng isoflavone đậu nành, có thể bắt chước tác dụng của estrogen trong cơ thể.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu mới phát hiện ra rằng việc ăn thực phẩm từ đậu nành không liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn.

Trên thực tế, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng và Ung thư thậm chí còn phát hiện ra rằng việc ăn đậu phụ thường xuyên có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển ung thư vú ở phụ nữ tiền mãn kinh.

Đậu phụ cũng chứa phytate, là một loại chất kháng dinh dưỡng có thể liên kết với các khoáng chất như canxi và kẽm và ngăn cản sự hấp thụ của chúng trong cơ thể. Nó cũng chứa chất ức chế trypsin, cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ protein.

Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại đối với hầu hết mọi người, vì việc ngâm, làm nảy mầm, nấu và lên men đậu phụ có thể làm giảm đáng kể hàm lượng chất kháng dinh dưỡng.

Ngoài ra, đậu nành có chứa goitrogen, là những hợp chất có thể cản trở việc sản xuất hormone tuyến giáp. Vì lý do này, theo TS Giang, điều quan trọng là phải duy trì lượng đậu nành ở mức vừa phải và thưởng thức như một phần của chế độ ăn uống cân bằng, đặc biệt nếu chúng ta có tiền sử mắc các vấn đề về tuyến giáp.