Nam bệnh nhân thủng ruột vì uống thuốc còn nguyên vỉ
(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị dị vật đường tiêu hóa. Kết quả chẩn đoán hình ảnh phát hiện bệnh nhân bị dị vật là viên thuốc còn nguyên vỉ đâm thủng đại tràng trái, gây nhiễm trùng ổ bụng.
Tai nạn hi hữu xảy ra với ông Nguyễn Văn S. (51 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM). Ngày 14/5, bệnh nhân được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội từng cơn. BS-CKI Huỳnh Văn Nghĩa, khoa Ngoại Tiêu hóa cho hay: Qua thăm khám lâm sàng ghi nhận người bệnh đau vùng bụng bên trái, kết quả siêu âm nghi ngờ có dị vật đường tiêu hóa, chụp CT phát hiện bệnh nhân bị thủng ruột tại vị trí đại tràng trái.
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật nội soi. Trên camera nội soi phát hiện dị vật là viên thuốc còn nguyên vỉ có cạnh sắc nhọn đâm thủng ruột, rò dịch gây nhiễm trùng ổ bụng. Các bác sĩ đã gắp thành công dị vật ra ngoài, khâu vị trí ruột bị thủng, điều trị kháng sinh tích cực chống nhiễm trùng. Ngày 18/5, sức khỏe bệnh nhân đã bình phục tốt, đang được bác sĩ tiếp tục theo dõi, điều trị.
Thông tin từ ông Nguyễn Văn S. cho hay, trước khi đối mặt với những cơn đau bụng, ông bị đau răng đang trong thời gian sử dụng thuốc điều trị. Viên thuốc ông uống là loại thuốc giảm đau, tuy nhiên, bệnh nhân không nhớ đã nuốt vỉ thuốc khi nào.
Dị vật được bác sĩ nội soi gắp thành công ra ngoài
Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, dị vật đường tiêu hóa như tăm xỉa răng, mảnh xương… là tai nạn thường gặp trong cộng đồng, tuy nhiên, bệnh nhân nuốt cả viên thuốc còn nguyên vỉ thì khá hi hữu. Thông thường hầu hết các dị vật có thể được tống ra ngoài theo ngả tự nhiên nhưng một số trường hợp dị vật có kích thước lớn hoặc sắc nhọn sẽ gây trầy xước, đâm thủng dạ dày, ruột và các tạng khác trong cơ thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Để tránh những tai nạn tương tự và những dị vật đường tiêu hóa khác, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần bóc viên thuốc khỏi vỉ, kiểm tra cẩn thận trước khi uống; không nên ngậm tăm sau khi ăn; lược bỏ xương trong thức ăn của trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Khi chẳng may bị hóc xương, nuốt phải xương hoặc các dị vật khác cần nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, hỗ trợ chuyên môn hoặc can thiệp kịp thời khi dị vật gây tổn thương đường tiêu hóa.
Vân Sơn