Na rừng có công dụng gì mà được nhiều người tìm mua?

Hà An

(Dân trí) - Na rừng không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin C, E, axit amin và các nguyên tố vi lượng mà còn là một vị thuốc đặc biệt trong y học cổ truyền. Cả thân, rễ và quả đều có tác dụng dược lý.

Na rừng là một loại cây bụi leo thường xanh thuộc họ Ngũ vị tử (Schisandraceae). Nó được phân bố rộng rãi ở các tỉnh phía tây nam của Trung Quốc, cũng như ở Tây Bắc Việt Nam.

Mùa quả na rừng thường từ tháng 7 đến tháng 11. Quả tập hợp gần như hình cầu, có màu đỏ hoặc tím sẫm.

Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), na rừng có thể xếp vào nhóm cây thuốc tương đối hiếm gặp ở Việt Nam.

Thân dây na rừng có vị đắng cay, tính ôn, có tác dụng khư phong, trừ thấp, hành khí, hoạt huyết. Quả na rừng có vị cay, tính hơi ôn, có tác dụng ninh tâm, bổ thận, chỉ khái khư đàm.

Na rừng có công dụng gì mà được nhiều người tìm mua? - 1

Na rừng cũng là một vị thuốc trong y học cổ truyền (Ảnh: FB).

Theo kinh nghiệm dân gian, na rừng được làm thuốc bổ, hoạt huyết, giảm đau, kích thích tiêu hóa. Ngày dùng 8-16g, vỏ rễ hay vỏ thân tán nhỏ, ngâm rượu uống, chia làm 2 lần trong ngày. Quả khi chín ăn được. Hạt na rừng đôi khi được dùng thay thế ngũ vị tử bắc.

Ở Trung Quốc, thân và rễ cây na rừng được dùng chữa phong thấp tê đau, viêm loét dạ dày - tá tràng, đau bụng kinh, đau bụng sau khi đẻ.

Quả na rừng chữa thận hư đau lưng, ho, viêm họng, viêm phế quản, thần kinh suy nhược. Bạn có thể dùng hàng ngày, 6-9g sắc nước uống. Rễ na rừng, oải diệp tử lan, hồ tiêu, các vị lượng vừa đủ, ngâm rượu uống chữa đau bụng kinh.

Tiến sĩ - Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết thêm, na rừng khi chín có vị ngọt và thơm, hương vị độc đáo, giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin C, E, axit amin và các nguyên tố vi lượng.

Nó cũng là một nguồn giàu lignans và triterpenoids. Cho đến nay, 202 hợp chất khác nhau đã được phân lập từ loại cây này.

Các tác dụng dược lý của quả na rừng cũng rất mạnh mẽ. Các thành phần hóa học của loại cây này đã được báo cáo với một số hoạt tính sinh học khác nhau, bao gồm chống oxy hóa, chống khối u, gây độc tế bào, chống viêm, chống viêm gan, ức chế oxit nitric, chống kết tập tiểu cầu và tác dụng bảo vệ thần kinh.

Theo Lương y Giang, trong y học cổ truyền, na rừng còn được gọi là "hắc lão hổ", dùng làm thuốc có công dụng thanh nhiệt giải độc, khư phong, hoạt lạc, điều khí, chỉ thống, thanh can minh mục, ích thận cố tinh, bổ huyết, dưỡng nhan.

Nó được sử dụng để chữa di tinh, tiểu đêm, mất ngủ, ho mãn tính, bệnh viêm dạ dày mãn tính, bệnh viêm loét dạ dày ruột, viêm khớp, vết bầm tím, sưng đau, đau bụng kinh và ứ huyết sau sinh.

Ngoài sử dụng quả tươi, quả và rễ na rừng còn dùng để ngâm rượu. Theo y học bản địa dân tộc H'Mông nước ta, rượu na rừng hay gọi là rượu Tứn khửn, có tác dụng tốt cho đàn ông và được coi là "thần dược phòng the".

Theo y học cổ truyền, na rừng có tác dụng ích thận cố tinh, nên được dùng để tăng cường sinh lý nam giới. Những tác dụng khác của na rừng cũng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.

Dù vậy, chuyên gia cũng lưu ý việc sử dụng rượu ngâm để bổ dương, tăng cường sinh lý không đúng cách có thể gây nhiều nguy cơ. Bản thân rượu cũng là chất kích thích làm tăng nguy cơ dẫn đến rối loạn cương dương.