1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kỳ nam có công dụng gì mà giá cả tỷ đồng?

Hà An

(Dân trí) - Gần đây, kỳ nam lại trở nên sốt khi có tin đồn một người ở Phú Yên trúng kỳ nam trên rừng Đèo Cả bán được 10 tỷ đồng. Vậy thực chất kỳ nam có công dụng gì mà có giá "trên trời" như vậy?

Nghe tin đồn có người trúng kỳ nam trên rừng Đèo Cả bán được 10 tỷ đồng, hàng trăm người dân đã mang theo các vật dụng như cuốc, xẻng, xà beng… leo núi để tìm cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, dù đào bới trong nhiều ngày, họ vẫn chưa thấy kỳ nam.

Người bị đồn trúng kỳ nam bán được 10 tỷ đồng sau đó cũng lên tiếng phủ nhận thông tin này. Trưởng Công an thị xã Đông Hòa, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) cũng cho biết, đến nay không còn người dân nào tại khu vực đồn đoán có kỳ nam ở trong rừng Đèo Cả. 

Trước đó, trong nhiều năm thông tin các vụ trúng kỳ nam nghìn tỷ đồng lan ra làm giới tìm trầm sôi sục. 

Kỳ nam có công dụng gì mà giá cả tỷ đồng? - 1

Cả trăm người đàn ông lên núi Đèo Cả tìm kỳ nam gần đây (Ảnh: Mạnh Phong).

Kỳ nam có tác dụng gì?

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi, trầm hương còn gọi là kỳ nam, trà hương, gió bầu…, có tên khoa học là Aquilaria agallocha Roxb., thuộc họ trầm (Thymelacaceae). Tên kỳ nam còn có tên kỳ nam hương thường dành cho loại trầm quý nhất, giá đắt gấp 10-20 lần trầm hương. 

Trầm hương là một vị thuốc hiếm và đắt trong đông y, người ta coi nó có vị cay, tính hơi ôn, vào 3 kinh tỳ, vị và thận, có tác dụng giáng khí nạp thận bình can tráng nguyên dương, chủ yếu chữa các bệnh đau ngực bụng, nôn mửa, bổ dạ dày, hen suyễn, bí tiểu tiện.

Ngoài ra, nó còn có tác dụng giảm đau, trấn tĩnh. Ngày dùng 3-4gr dưới dạng bột hay ngâm rượu. 

Đứng về mặt công dụng làm thuốc, theo cuốn sách trên, chúng ta không thể giải thích tại sao giá trầm và kỳ nam trên thị trường lại đắt như vậy. Ngay từ thế kỷ 16, theo lời một du khách Bồ Đào Nha còn ghi lưu lại tại chợ Hội An, giá một gối bằng gỗ trầm nặng gần 500gr lên tới gần 8kg vàng. Năm 1956 tại Nha Trang giá 1kg trầm hương cũng xấp xỉ 20 lạng vàng. 

Từ xưa tới nay trầm hương ngoài công dụng làm thuốc trước hết là một chất thơm và chất định hương cao cấp. Xưa kia người ta gối đầu trên gối gỗ trầm hương, đốt trầm trong những ngày lễ tết lớn. 

Kỳ nam có công dụng gì mà giá cả tỷ đồng? - 2

Một số tác dụng chữa bệnh của kỳ nam chưa được chứng minh trên cơ sở khoa học (Ảnh: B.V).

Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), trong đông y, kỳ nam là vị thuốc có công dụng giảm đau, noãn thận, kiện vị, giáng khí, tráng nguyên dương và ôn trung. Chủ trị các bệnh như suyễn cấp, khí nghịch, chứng tinh lạnh ở nam giới, tiêu chảy, thận hư, chống nôn, bí tiểu tiện.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, kỳ nam có tác dụng giảm biên độ co bóp ruột ở mèo được tiêm acetylcholine. Ngoài ra, nó còn làm giảm nhu động tự nhiên của đường ruột. Dạng chiết của dược liệu có tác dụng chống co thắt cơ trơn và ức chế co bóp tự chủ của hồi tràng chuột lang do acetylcholine và histamine gây ra.

Do giá trị kinh tế cao nên hiện nay có nhiều cơ sở kinh doanh trầm hương và kỳ nam kém chất lượng. Vì vậy, người dân cần thận trọng khi chọn mua dược liệu. Ngoài ra, một số tác dụng chữa bệnh của dược liệu này chưa được chứng minh trên cơ sở khoa học nên cần chủ động tham vấn y khoa trước khi thực hiện.

"Giá trị của kỳ nam trong y học không đắt đến thế"

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội Việt Nam, cho rằng: "Vấn đề là ở đây là dùng kỳ nam làm gì, sao lại đắt thế? Thực tế giá trị của kỳ nam trong y học không đắt đến vậy, tất cả chỉ là những đồn thổi, tuyên truyền thổi phồng". 

Theo ông, nếu là vị thuốc thì sử dụng theo kiểu khác, không thể chỉ sử dụng riêng một loại mà có công dụng. Như cam thảo chữa ho, nhưng nếu không kết hợp với cát cánh thì hiệu quả không cao, không tác dụng lên phổi được. 

"Từ trước đến nay, không thiếu gì cây bị đồn thổi không có cơ sở. Chưa kể có cây dùng với người này hợp nhưng với người kia thì không, hoặc phải kết hợp mới có tác dụng. Nhiệm vụ thầy thuốc kết hợp các dược liệu phối hợp thành bài thuốc để có hiệu quả với từng bộ phận của cơ thể. Bệnh khác nhau trên cơ địa khác nhau thì có bài thuốc khác nhau", Lương y Sáng phân tích. 

Theo ông, xu hướng hiện nay là nhiều nước quay lại sử dụng các vị thuốc dân tộc của nước mình hoặc của dân tộc khác. Tuy nhiên, thực tế cùng một tên gọi đó nhưng trồng ở những vùng địa lý khác nhau, thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết khác nhau… mà dẫn đến chất lượng khác nhau (có tạo nên được hoạt chất sinh học nổi trội hay không). 

Vì thế, nếu muốn khẳng định bất kỳ công dụng chữa bệnh của một loại cây nào hay kỳ nam phải có quá trình khảo sát, nghiên cứu phân tích hoạt chất sinh học xem làm sao mới sử dụng được, chữa bệnh có hiệu quả không…