Muối hồng đắt đỏ có tốt hơn muối trắng?
(Dân trí) - Muối hồng hay muối hồng Himalaya có giá cả trăm nghìn một kg, trong khi đó giá muối ăn thông thường chỉ 4.000-25.000/kg. Vậy muối hồng liệu có tốt cho sức khỏe hơn so với muối trắng không?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, bản chất muối hồng Himalaya có cấu tạo chính từ natri clorua (NaCl). Hàng triệu năm nay bản chất muối biển không thay đổi. Quá trình hình thành trầm tích kéo dài nên muối cạn sẽ có thêm một số khoáng chất ở vùng đất đó. Vì thế, muối hồng Himalaya có màu hồng.
Muối hồng đã được người dân vùng Tây Tạng khai thác dùng trong nấu ăn từ rất lâu. Muối hồng cũng giống như muối ăn bình thường tuy nhiên có thêm một số chất khoáng.
"Nó có thể dùng làm muối ăn, ngâm chân, tắm, sát trùng, làm đẹp. Nó cung cấp một số chất khoáng có tác dụng tích cực tới cơ thể", PGS Thịnh cho biết.
Theo Healthline, muối ăn hay muối trắng có thể có nhiều natri hơn, nhưng muối hồng Himalaya chứa nhiều canxi, kali, magiê và sắt hơn. Tuy nhiên, lượng khoáng chất này trong muối hồng Himalaya là rất nhỏ.
Chúng được tìm thấy với số lượng nhỏ đến mức cần 1,7kg muối hồng Himalaya để có được lượng kali khuyến nghị hàng ngày.
Vì thế, phần lớn, các khoáng chất bổ sung trong muối hồng Himalaya được tìm thấy với số lượng nhỏ đến mức chúng không có khả năng mang lại cho bạn bất kỳ lợi ích sức khỏe nào.
PGS Thịnh cho biết, hiện nay, do muối hồng được vận chuyển từ những nơi rất xa do vậy giá cả rất đắt. Tuy nhiên, thực chất muối hồng cũng là muối ăn bình thường có thêm một số chất khoáng. Thực tế, các khoáng chất này chúng ta có thể bổ sung dễ dàng từ hoa quả, thực phẩm chức năng.
Chuyên gia cũng khuyến cáo do muối hồng rất đắt nên không ít người làm giả muối hồng, họ dùng các hóa chất không tốt cho sức khỏe thì sẽ rất nguy hiểm.
PGS Thịnh cho biết, muối trắng dùng trong ăn uống hiện nay cũng có chất khoáng và được dùng rất đa dạng trong ăn uống, tắm, ngâm chân… Nó còn được tinh khiết để tạo thành nước muối sinh lý để truyền, nhỏ mắt và nhỏ mũi…
Ăn bao nhiêu muối là vừa?
Muối hay natri clorua (NaCl) có lẽ là chất mà loài người không thể thiếu trong thức ăn hàng ngày, thậm chí đối với nhiều người, có thể thiếu thịt chứ không thể thiếu... muối trong bữa ăn. Nhu cầu về muối của con người rất thấp.
Ăn quá nhiều muối đã được chứng minh là có hại đối với tim mạch và huyết áp nhưng ăn nhạt quá dẫn đến thiếu muối thì cũng nguy hiểm không kém.
Theo chuyên gia dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bình thường không bị tăng huyết áp, không bị thừa cân, không mắc các bệnh phải kiêng mặn chỉ nên ăn 6 - 8g muối một ngày (bao gồm cả muối ăn, nước mắm, bột canh...).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo mỗi người chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày. Trong khi đó, người Việt Nam ăn 9,4g muối/ngày, gần gấp đôi khuyến cáo của WHO.
PGS Thịnh lưu ý dù dùng muối hồng hay muối trắng trong chế biến thì người dân cũng nên nêm nhạt. Giảm một nửa lượng muối ăn hàng ngày bằng cách cho bớt muối khi nấu ăn, chấm nhẹ tay khi ăn, giảm đồ mặn khi lựa chọn thực phẩm, khi nấu nướng và khi ăn.
Ở các nước phát triển, 77% muối đưa vào cơ thể qua thực phẩm chế biến sẵn, ăn ở nhà hàng. Còn tại Việt Nam thì 80% lượng muối đưa vào cơ thể là được cho vào tại hộ gia đình khi chế biến món ăn.
Ngay cả với những thực phẩm tự nhiên tưởng chừng như không có muối nhưng các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đều chứa sẵn muối. Chẳng hạn, một bát cơm trắng (cơm tẻ) cung cấp 258 kcal cũng có sẵn 0,01g muối; cơm hến chứa 1,78g muối; cơm rang thập cẩm chứa 3,34g muối; cơm suất văn phòng (gồm thịt nạc vai và đậu phụ) cung cấp 760 kcal nhưng cũng có lượng muối lên tới 5,15g...
Các món miến: gà, lươn nước, ngan... cung cấp 3,6-4g muối. Với các món hủ tiếu nước, mì Quảng, mì spaghetti hải sản (thịt bò)... dù hàm lượng muối thấp hơn chỉ 1,3- 2g muối/tô nhưng cung cấp năng lượng khá cao (khoảng 450 - 500 kcal).