Mục sở thị làng nghề sống chung với chì
(Dân trí) - Con số hơn 65% trẻ làng nghề thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên nhiễm độc chì ở mức phải điều trị khiến chúng ta giật mình. Nguyên nhân là do người dân nơi đây có nghề truyền thống tái chế chì từ nguồn ắc quy, pin cũ hỏng…
Ngày 28/5, Bộ Y tế đã có buổi thị sát làng nghề Đông Mai, xã Chỉ Đạo huyện Văn Lâm, Hưng Yên- địa phương duy nhất trong cả nước làm nghề tái chế chì từ pin và ắc quy hỏng. Môi trường, không khí, đất, nước… và cả nguồn thực phẩm đều nhiễm chì do ô nhiễm. Chì cũng ngấm vào máu thịt của người dân nơi đây.
Vừa bước vào đầu làng, chúng tôi ấn tượng bởi cả đống ác quy, phế thải cao ngất, chất đầy trước cổng cơ sở sản xuất thủ công ngay trong làng. Bình ắc quy cũ cũng được tận dụng làm bồn trồng hoa, để chân cột ăng - ten tivi…
Bước vào cơ sở tái chế chì Vân Loan, mùi axít, kim loại nặng khiến mọi người xung quanh như muốn ngạt thở. Trong xưởng, 2 chị công nhân vẫn vừa đập lấy lõi chì, vừa trò chuyện với mọi người.
Chị Yến, 41 tuổi nhưng đã có thâm niên 25 năm làm nghề tái chế chì cho biết dù ý được nguy cơ sức khỏe nhưng vì mưu sinh nên vẫn phải gắn bó với nghề. Nhà chỉ có 2 sào ruộng nên nếu không làm nghề này thì sẽ ông đủ sống.
“Đã lấy chồng làng khác, cứ tưởng sẽ mưu sinh nghề khác được nhưng vì kinh tế, không chỉ mình quay về đây làm nghề mà còn kéo chồng về làm cùng. Chồng mình cũng làm được 15 năm rồi. Biết là độc, nhưng nhà có 5 miệng ăn, 2 sào ruộng nếu không làm nghề thì sẽ không đủ sống”, chị Yến nói.
Mỗi ngày, với 8 tiếng ngồi đập chì chị Yến được trả 150.000, số tiền này đảm bảo chi trả cuộc sống gia đình.
“Mệt mỏi, lo cho sức khỏe con cái nhiều lúc cũng muốn đổi nghề lắm nhưng không chẳng biết làm nghề gì, xin làm công nhân thì bị chê quá tuổi nên vẫn phải làm ở xưởng thủ công. Phương tiện bảo hộ duy nhất chỉ là đôi găng tay cao su và khẩu trang bịt mặt. Về nhà cũng thấy mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng nhưng không biết là do chì hay do lao động quá sức”, chị Yến nói.
Khi được hỏi về nhà chị làm thế nào để giảm nguy cơ lây nhiễm chì cho con nhỏ 2 tuổi, chị Yến cho biết chị vẫn mặc nguyên bộ đồ đi làm về nhà rồi mới thay đồ ở nhà, chăm con, cho con ăn uống.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, kết quả khám sức khỏe cho người dân và trẻ em làng nghề cho thấy có tới hơn 65% trẻ em làng nghề bị nhiễm chì ở mức độ phải điều trị thải độc. Cụ thể trong 317 trẻ được khám có 207 trẻ bị nhiễm độc chì ở mức độ từ 10- 44,9 mcg/dl. Theo bác sĩ Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) với hàm lượng chì này trẻ đã phải điều trị để hạn chế những ảnh hưởng của chì tới trí tuệ của trẻ. Thực tế cho thấy nhiễm chì ở mức càng cao thì chỉ số IQ của trẻ càng thấp, cứ tăng 1 mcg/dl thì trẻ sẽ mất 5 điểm về chỉ số IQ.
Đặc biệt, khi thăm một gia đình đã được thay thế toàn bộ đất nền nhiễm độc chì trước đó bằng một nền đất mới, thì đứa con thứ 2 của gia đình này, dù sinh sau thời điểm đất nền đã được thay nhưng em bé này vẫn có nồng độ chì trong máu tới trên 60mcg/dl. Điều này cho thấy chì đã ngấm vào nguồn nước, không khí, thực phẩm, em bé khi chơi đùa lê la tiếp xúc với đất nhiễm chì, hít thở nguồn không khí nhiễm chì….
Kết quả giám sát môi trường thôn Đông Mai mới đây cho thấy nguồn nước kênh rạch có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 1.000 lần. Không khí tại cộng đồng và nơi sản xuất tái chế chì đều có hàm lượng chì cao hơn tiêu chuẩn trong đó 3/5 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Cùng đó các mẫu đất lấy tại vườn các hộ gia đình trong thôn có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 10-16 lần, kéo theo đó rau, củ, quả trồng trên nền đất nhiễm chì cũng vượt giới hạn cho phép 1,3 lần.
Thấy đoàn công tác về nhiều người dân chia sẻ mong muốn chính quyền phải kiên quyết đưa những xưởng thủ công này ra khỏi làng. Chúng tôi biết đang bị chì bủa vây nhưng chẳng biết làm cách nào, không lẽ lại bỏ xứ mà đi. Các con cháu chúng tôi mới được xét nghiệm nhưng chưa có kết quả, ai cũng lo lắng vì những ảnh hưởng của chì đến trí tuệ của trẻ sau này. Thậm chí nhiều người dân ngại xuất hiện trên khuôn hình lo ngại sau này ảnh hưởng đến việc lập gia đình của con cháu
Ông Đinh Tiến Vĩnh (47 tuổi, thôn Đông Mai) có vợ làm nghề tái chế chì chia sẻ lâu nay gia đình ông và nhiều hộ xung quanh không dám nuôi và sử dụng những thực phẩm được nuôi trồng trong làng vì sợ nhiễm độc chì. Đặc biệt rau trồng dưới ao không gia đình nào dám ăn vì biết có nguy cơ nhiễm độc chì rất cao. Sống ngay sát xưởng tái chế thủ công, cứ về đêm mùi axít bốc lên rất khó chịu. Bản thân vợ ông mỗi lần từ xưởng về có “mùi” chì rất rõ.
Với số lượng trẻ nhiễm chì và thực tế ô nhiễm môi trường GS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng đây là thực trạng rất đáng báo động. Tuy nhiên điều cơ bản phải cách ly trẻ khỏi nguồn ô nhiễm chì là đất, nước, thực phẩm, không khí. Việc vẫn còn tồn tại 13 hộ dân tái chế chì ngay trong làng chắc chắn không thể loại bỏ được nguồn bệnh. Trẻ vẫn nhiễm bệnh khi hít thở không khí, chơi đùa lê la trên nền đất và ăn những thực phẩm được nuôi trồng trong môi trường nhiễm chì.
Dưới đây là chùm ảnh người dân làng nghề Đông Mai tái chế chì từ ắc quy hỏng:
Cũng trong chiều 28/5 Bộ Y tế đã có cuộc họp nóng với UBND tỉnh Hưng Yên, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, Bộ Tài nguyên Môi trường... để tìm cách tẩy độc triệt để cho làng nghề, mang lại môi trường sống lành mạnh cho người dân. |