Ô nhiễm môi trường ở các làng nghề:

Những hệ lụy ở “làng chì” Đông Mai

Vài chục năm nay, làng Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) có một nghề phụ là tái chế chì từ những bình ắc quy hỏng. Không thể phủ nhận nghề này đã giúp cho cuộc sống của người dân ở đây khấm khá hơn nhiều làng quê khác. Thế nhưng những hệ lụy của nó để lại cũng thật đau xót...

1. Vốn là một làng thuần nông ở đồng bằng Bắc Bộ, song Đông Mai lại có dáng vẻ của một thị trấn sầm uất hơn. Con đường chính dẫn vào làng xe tải, ôtô con chạy nườm nượp suốt ngày đêm. Hai bên đường là những ngôi nhà cao tầng khang trang; thi thoảng có những biệt thự tiền tỉ khiến chúng tôi ngỡ ngàng.

Trong làng, đường bê tông trải hầu hết các ngõ xóm. Nhiều dịch vụ như làm đồ gỗ, hàng tạp hóa, hàng ăn uống… mở ra rất xôm tụ. Cũng hiếm thấy ngôi làng nào có một nhà văn hóa to như ở đây.

Theo bà Nguyễn Thị T., một cao niên trong làng, thì vài chục năm nay, Đông Mai có một nghề phụ là tái chế chì từ những bình ắc quy hỏng để bán lại cho nhà máy. Nhờ có nghề này mà đời sống của người dân trong làng khấm khá hơn hẳn. Khá nhiều hộ dân nhờ chăm chỉ làm ăn mà xây được nhà lầu, mua xe hơi; con cái có điều kiện lên Hà Nội ăn học…

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, cho đến trước năm 2007 có thể nói là thời "hoàng kim" của làng tái chế chì. Người dân trong làng đua nhau mở xưởng tái chế. Cứ vài nhà họp nhau lại phân công người đi khắp tỉnh Hưng Yên và các tỉnh khác như Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định… để thu mua ắc quy. Với những bình ắc quy hỏng mua với giá "đồng nát", họ sẽ mang về nhà cạy lấy bột chì và xương chì rồi nấu thành sản phẩm mang đi bán. Kể cả vỏ nhựa trắng của bình ắc quy cũng được tái chế, chỉ vỏ đen là phải bỏ.

Lấy chì từ những bình ắc quy hỏng.
Lấy chì từ những bình ắc quy hỏng.

Từ sáng sớm đến tối mịt khắp làng đều vang tiếng đập ắc quy, đến tối thì các lò thủ công bắt đầu mở hết công suất, khói bụi bay mù trời.

Vẫn theo bà T., thời điểm đó trong làng ngoài ngõ đầy rẫy phế thải từ bình ắc quy như tấm cách điện và nước axít sau khi phá dỡ đổ bừa bãi. Những ngày nắng nóng bụi chì và nước axít trong các cống rãnh bốc mùi khét lẹt; khi trời đổ mưa thì chảy bừa bãi, ngấm vào lòng đất, đọng đầy các ao hồ. Không khí trong thôn luôn ngợp trong khói bụi của chì.

Chồng bà T., sau một vài năm tham gia đứng lò nấu chì thì thấy sức khỏe giảm sút trầm trọng. Ban đầu là những cơn tức ngực khó thở, rồi sau đó là bụng đau, xét nghiệm thì phát hiện ra ông bị bệnh về đường ruột. Hoảng quá, bà T. vội bảo chồng bỏ luôn nghề, chuyển sang buôn bán văn hóa phẩm. Tuy nhiên, họ hàng nhà bà thì nhiều người vẫn tiếp tục bám trụ.

Tỏ ra hiểu biết, bà T. bảo sau mấy chục năm làm nghề, làng Đông Mai đã bị nhiễm độc chì khá nặng. Chì có ở trong không khí, đất và nước, khiến nhiều người dân sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ riêng trong khu vực xóm Chùa đã có tới 5-7 trường hợp bố mẹ làm ở xưởng, đẻ con bị ngớ ngẩn. Có những người hàng tháng phải đi bệnh viện để lọc máu, rửa ruột…

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời kỳ trước năm 2007 hàm lượng chì thải ra từ việc tái chế chì ở Đông Mai quá lớn: Trong nguồn nước, mức trung bình là 0,77mg/l, vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7,7-15 lần. Ở nơi ao hồ đãi và đổ xỉ, hàm lượng là 3,278mg/l, vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 32-65 lần.

Cả thôn Đông Mai có hơn 50% số người bị đường ruột, tá tràng, đau dạ dày; 30% mắc bệnh đường hô hấp, đau mắt; 100% số người trực tiếp nấu chì đều bị nhiễm độc chì trong máu. Đáng buồn là đã có hơn 40 người bị tàn tật nặng do ảnh hưởng của bụi và khói chì; trong đó có hơn 20 trẻ em bị viêm não, với các di chứng ngớ ngẩn, thọt chân, mù mắt, bại liệt... Một số gia đình có 2-3 con bị não dị dạng, có cháu đã thiệt mạng, nhiều cháu nhiễm chì trong máu, hàng tháng phải đi lọc chì rất tốn kém. Theo phân tích từ cơ thể những người bị nhiễm độc chì, hàm lượng chì trong nước tiểu từ 0,25-0,56mg/l; trong máu 135mg/l, vượt 1,5 lần mức cho phép.

Sở dĩ nghề tái chế chì lại "hút" người dân trong làng như vậy là do cái lợi khá lớn của nó. Những bình ắc quy hỏng vứt đi, mua với giá chỉ vài chục ngàn đồng. Nhưng lượng chì sau khi tái chế bán được cả trăm ngàn. Người dân ở Đông Mai đi thu mua tất cả các loại ắc quy, từ ôtô, xe máy cho đến tàu thủy… Có những bình ắc quy to gần bằng cái tủ.

Những người thợ phá bình mỗi ngày được trả công từ 200-300 nghìn đồng. Còn với những người đứng lò mỗi tối kiếm được từ 800 đến triệu bạc. So với làm nông thì một trời một vực.

"Ngửi cái mùi chì nấu ban đầu thấy ngòn ngọt, nhưng sau thì thấy chóng mặt, nhức đầu. Thế là cứ đến giờ các lò chì nổi lửa, thì dân làng không ai bảo ai đều phải đóng chặt cửa, không dám ra khỏi nhà" - bà T. cho chúng tôi biết.

Công nhân làm việc trong các lò nấu chì không hề được trang bị đồ bảo hộ lao động. Đi làm về, áo quần của họ dính đầy bụi chì và hóa chất, vô tình trở thành nguồn nhiễm độc cho chính bản thân và những người trong gia đình.

"Vậy theo bác người dân ở đây có nên bỏ hẳn nghề tái chề chì không?” - tôi hỏi.

"Bỏ làm sao được hả anh. Biết là ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng vẫn phải nhắm mắt mà làm. Vì đâu phải chỉ có cơm ngày hai bữa. Cuộc sống giờ phải trăm thứ tiêu, làm được ngày nào hay ngày đó, chứ bỏ nghề cái là… chết luôn".

2. Trước tình trạng ô nhiễm nặng nề ở làng tái chế chì ở Đông Mai, các cơ quan ban ngành tỉnh Hưng Yên cũng như ở huyện Văn Lâm, xã Chỉ Đạo đã có nhiều biện pháp mạnh tay để "cứu" làng.

Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 64-2003/QĐ-TTg phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng", trong đó có làng Đông Mai. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản đề nghị phải xử lý triệt để các cơ sở này trước năm 2007.

Tháng 2/2010, UBND tỉnh Hưng Yên ra Quyết định 491/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp làng nghề xã Chỉ Đạo với diện tích trên 21,8ha, cách khu dân cư khoảng 1km.

Theo ông Lê Văn Lệ, Phó chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo thì hiện tại, ở Đông Mai đã có 2 cơ sở chuyên tái chế chì tập trung là Công ty TNHH Ngọc Thiện và Công ty Hiệp hội làng nghề. Với công nghệ mới lượng khí thải đã được giảm đáng kể. Chỉ còn 6 hộ vẫn còn tháo dỡ chì thủ công, sau đó lại đem vào công ty để nấu. 

Ông Lê Văn Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo.
Ông Lê Văn Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo.
Còn ông Lê Huy Gương, Trưởng thôn Đông Mai, cho biết hiện thôn có 719 hộ với 2.000 nhân khẩu. Ở Đông Mai bây giờ còn khoảng 40 hộ làm nghề tái chế chì, trong đó có 29 hộ đã ra khu công nghiệp tập trung, còn 11 hộ đang tái chế chì ngay trong làng. Theo ông Gương bình quân mỗi lò nấu 14 tấn bột trong một tuần và cho ra lò khoảng 7-8 tấn chì.

Có thể thấy, hiện tại môi trường của thôn Đông Mai nói riêng và xã Chỉ Đạo nói chung đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, với hơn 30 năm "sống trong chì" đã khiến người dân trong thôn phải trả một cái giá không hề rẻ.

Năm 2007-2008, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế đã tiến hành nghiên cứu về mức độ ô nhiễm môi trường tại xã Chỉ Đạo. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ ô nhiễm chì trong không khí vượt tiêu chuẩn gần 3,5 lần, có nơi tới 10 lần. Nhiều loại cá, rau... nuôi trồng cũng nhiễm chì vượt mức cho phép 4,6 lần.

Theo số liệu từ Trạm Y tế xã Chỉ Đạo, từ tháng 1/2010 đến tháng 10/2014 toàn xã có 38 người chết vì ung thư các loại, trong đó thôn Đông Mai có 16 người. Năm 2010, cả xã có 9 người chết do ung thư thì Đông Mai có 5 người; con số này của năm 2010 là 2/5 người; năm nay là 5/8 người. Các bệnh ung thư mà người dân nơi đây mắc phải chủ yếu là ung thư phổi, gan, vòm họng, dạ dày. Đặc biệt, trong số các bệnh nhân chết do ung thư ở Đông Mai, chỉ có 4/16 người trên 70 tuổi, số còn lại ra đi ở độ tuổi còn khá trẻ, như anh Lê Xuân H. (40 tuổi), Đinh Bá V. (35 tuổi), Tạ Văn T. (45 tuổi), Đỗ Văn T. (50 tuổi)...

Đáng lo ngại nhất là rất nhiều cháu bé ở Đông Mai đang bị nhiễm độc chì. Tuy mức độ nặng nhẹ khác nhau, song thực sự là rất đáng báo động.

Năm 2012, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) và Trường Đại học Washington (Mỹ) đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên 109 trẻ dưới 10 tuổi ở Đông Mai. Theo đó tất cả các bé đều có hàm lượng chì trong máu vượt giới hạn, thậm chí nhiều lần. Trong đó, 24 bé vượt 4-5 lần mức báo động, một số bé lên đến 6-7 lần - mức nguy hiểm, cần thải độc cấp tốc.

Cháu Lê Ngọc C. (con anh Lê Ngọc H) mới 4 tuổi, nhưng hàm lượng chì trong máu của cháu lên đến 74,52mg/dl, gấp hơn 7 lần mức cho phép. Hằng năm, anh H. đưa C. lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lọc máu. Theo các bác sĩ, việc phục hồi hoàn toàn của C. là không thể. Bé sẽ phải đối mặt các di chứng như chậm phát triển trí não, còi cọc…

Bé gái Lê Phương L., con anh Lê Văn Q., 4 tuổi, có hàm lượng chì trong máu là 73,16mg/dl, thuộc mức nguy hiểm, có nguy cơ tổn thương thần kinh cao, phải nhập viện và điều trị bằng thuốc thải chì truyền tĩnh mạch.

Nhiều cháu bé khác, mới 2-3 tuổi, nhưng hàm lượng chì trong máu gấp 6-7 lần mức cho phép như Đỗ Hoàng G. (3 tuổi), hàm lượng chì trong máu gấp 5,5 lần; bé Lê Gia B. (3 tuổi), hàm lượng chì gần 6 lần; Lê Viết Đ. (2 tuổi), hàm lượng chì gấp hơn 5 lần...

Nhiều đứa trẻ ở Đông Mai đã bị nhiễm độc chì.
Nhiều đứa trẻ ở Đông Mai đã bị nhiễm độc chì.

Theo báo cáo mới nhất của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường có đến 97% trong tổng số 500 trẻ tại thôn Đông Mai được làm xét nghiệm nhanh có kết quả phơi nhiễm chì. Hầu hết các trẻ này đều có hàm lượng chì trong máu vượt ngưỡng 3-7 lần. Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đưa các cháu bị nhiễm vượt ngưỡng từ 4 lần trở lên điều trị thải độc chì.

Theo Nhóm PV

Công an nhân dân