Hưng Yên: 209 trẻ em ở làng nghề Đông Mai bị phơi nhiễm chì

Ngày 16/5, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế và Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Trung tâm y tế huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đã về thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo tiến hành khám sức khỏe và lấy mẫu máu của người dân làm cơ sở để đánh giá chính xác mức độ nhiễm độc chì.

Nước ao chuyển màu xanh vì nhiễm độc chì (Ảnh minh họa: Quốc
Việt/TTXVN)
Nước ao chuyển màu xanh vì nhiễm độc chì (Ảnh minh họa: Quốc Việt/TTXVN)

Đoàn bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức khám cho gần 400 người, trong đó chủ yếu là trẻ em và những người dân trực tiếp tham gia tái chế chì thủ công ở làng nghề Đông Mai.

Trong số những em nhỏ được xét nghiệm lần này có 33 em đã được xác định phải tẩy độc chì khẩn cấp trong thời gian sớm nhất, 27 em có biểu hiện thiếu máu.

Theo Bác sỹ Khúc Chí Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm, thôn Đông Mai có tới 209 trẻ bị phơi nhiễm chì, trong đó có 33 trẻ em có lượng chì máu cao trên 70mg/dl cần phải được điều trị thải độc chì ngay.

Trước đó, năm 2012 Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) đã lựa chọn ngẫu nhiên hơn 100 trẻ em để xét nghiệm sàng lọc lượng chì trong máu.

Kết quả cho thấy 100% số trẻ này đều có hàm lượng chì máu vượt quá giới hạn bình thường. Trong đó có 39 em có hàm lượng chì trong máu ở mức cao từ 45- 70 µg/dl (mức báo động).

Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, hàm lượng chì thải ra ở Đông Mai ở mức nghiêm trọng. Trong nguồn nước, mức trung bình là 0,77mg/l, vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7,7-15 lần. Ở nơi ao hồ đãi và đổ xỉ hàm lượng 3,278mg/l, vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 32-65 lần.

Do bề mặt nước bị ô nhiễm, một số thực vật cũng bị ảnh hưởng. Trong đó bèo tích lũy tới 430,35 mg/kg; rau muống từ 168,15-430,35 mg/kg.

Trong đất, hàm lượng chì trung bình là 398,72 mg/kg. Trong không khí, từ 26,332 mg/m3 - 46,414 mg/m3, gấp 4.600 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Do nhiễm độc từ nước và khí thải của chì, thôn Đông Mai có hơn 80% số người bị mắc bệnh. Có tới 50% bị đường ruột, tá tràng, đau dạ dày; 30% mắc bệnh đường hô hấp, đau mắt; 100% số người trực tiếp nấu chì đều bị nhiễm độc chì trong máu. Theo phân tích từ cơ thể những người bị nhiễm độc chì, hàm lượng chì trong nước tiểu từ 0,25 -0,56 mg/l; trong máu 135 mg/l, vượt 1,5 lần mức cho phép.

Dự kiến đợt khám lần này sẽ diễn ra đến hết ngày 17/5, nhằm xác định mức độ nhiễm độc chì, làm cơ sở để Bộ Y tế và tỉnh Hưng Yên đưa ra giải pháp cụ thể trong việc tẩy độc chì cho người dân.

Theo Mai Ngoan

TTXVN/Vietnamplus