Một tháng điều trị, bé ngộ độc botulinum vẫn thở máy, đã tốn 140 triệu đồng

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trong số 3 anh em ruột ngộ độc botulinum sau khi ăn chả lụa tại TPHCM, vẫn còn một cháu bé phải thở máy, nằm viện liên tục 30 ngày với viện phí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Trưa 14/6, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) vẫn đang điều trị tích cực cho trường hợp bé N.V.Đ. (13 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), một trong 3 bệnh nhi ngộ độc botulinum sau khi ăn chả lụa, được đưa vào đây điều trị.

Trước đó, bé Đ., bé H. (14 tuổi, anh ruột bé Đ). và bé X. (10 tuổi, em gái bé Đ.) nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 ngày 14/5 với chẩn đoán ngộ độc botulinum toxin từ thức ăn.

Một tháng điều trị, bé ngộ độc botulinum vẫn thở máy, đã tốn 140 triệu đồng - 1

Bé X., một trong ba anh em ruột ngộ độc botulinum sau khi ăn chả lụa, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: Người nhà cung cấp).

Vì là người sử dụng thức ăn nghi nhiễm độc nhiều nhất, Đ. được truyền 1 lọ thuốc giải BAT ngày 15/5, 2 bé còn lại được truyền 1/2 lọ. Đến ngày 26/5, bé H. hồi phục nên được cho xuất viện, trong khi bé X. cũng về nhà ngày 1/6.

Riêng bé Đ., sau 1 tháng điều trị, từ chỗ liệt ruột, sức cơ tứ chi 2/5, sụp mi, phải dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, đến nay sức cơ đã đạt 4/5, giao tiếp được, có thể uống sữa, ăn cháo loãng nhưng vẫn còn phải hỗ trợ hô hấp.

Theo bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhi đang tập thở để hướng đến việc cai máy. Dù vậy, vẫn chưa thể dự tính được ngày bé trai có thể xuất viện.

Một tháng điều trị, bé ngộ độc botulinum vẫn thở máy, đã tốn 140 triệu đồng - 2

Bé Đ. là trường hợp nặng nhất trong 3 cháu bé, đã nằm viện 1 tháng liên tục (Ảnh: Người nhà cung cấp).

Chị Huệ, người nhà của bệnh nhi chia sẻ, vì thời gian điều trị kéo dài nên viện phí của bé đã đội lên rất cao. Theo đó, gia đình đã được bệnh viện gửi các giấy đóng tạm ứng viện phí cho bé Đ., với tổng số tiền là hơn 140 triệu đồng.

Trong khi đó tại thời điểm được về nhà, viện phí phải đóng của bé H., bé X. lần lượt là hơn 10 triệu đồng và 40 triệu đồng.

"Biết hoàn cảnh nhà tôi khó khăn, có hai công ty đã hỗ trợ cho gia đình hàng chục triệu đồng để đóng tiền viện phí. Phòng Công tác xã hội của bệnh viện cũng vận động mạnh thường quân giúp đỡ các bé khoảng 20 triệu đồng. Còn lại, tôi phải tự xoay sở.

Thú thật giờ tôi cũng hết lo nổi rồi, sắp tới nếu bé Đ. còn nằm dài hạn thì không biết tính như thế nào" - chị Huệ tâm sự.

Một tháng điều trị, bé ngộ độc botulinum vẫn thở máy, đã tốn 140 triệu đồng - 3

Người nhà cho biết, tổng số tiền viện phí phải đóng cho 3 bé ngộ độc botulinum đã gần 200 triệu đồng (Ảnh: Hoàng Lê).

Cũng theo người nhà, sau sự việc xảy ra, UBND địa phương nơi gia đình sinh sống ở TP Thủ Đức đã đến thăm hỏi, hỗ trợ phần nào khó khăn của gia đình. Tuy nhiên đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa kết luận việc ngộ độc botulinum của các bé do tác nhân nào gây ra.

Từ ngày 13/5, TPHCM ghi nhận 6 người (đều ngụ TP Thủ Đức) ngộ độc botulinum, phải nhập 3 bệnh viện. 5 trường hợp đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại ăn một loại mắm để lâu ngày.

Ngoài 3 bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, có hai bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy (sau đó được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang điều trị phục hồi). Một người đàn ông 45 tuổi nằm tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Tuy nhiên đến tối 24/5, người đàn ông 45 tuổi đã tử vong vì biến chứng nặng, không kịp dùng thuốc giải BAT (8.000 USD/lọ) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam.

Đến ngày 25/5, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, các mẫu chả lụa một số bệnh nhân đã ăn và mẫu tại nơi sản xuất đều âm tính với độc tố botulinum.