Một phụ nữ ở TPHCM nhức đầu, đau lưng suốt 2 năm vì khối u cực hiếm ở phổi

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo các bác sĩ, đến nay y khoa vẫn chưa xác định được nguồn gốc của loại bướu này. Bệnh nhân có thể tử vong khi bị di căn ngoài sọ, di căn và chảy máu trong não.

Tại hội thảo hàng năm phòng chống Ung thư TPHCM, diễn ra trong hai ngày 1-2/12, GS.TS.BS Văn Tần, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Bình Dân cùng cộng sự đã báo cáo về một trường hợp bệnh nhân mang khối u rất hiếm gặp.

Bệnh nhân là chị T.T.K.H. (52 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TPHCM), nhập viện vì khối u ở phổi trái tái phát. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân từng phát hiện bướu mạch máu tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đã phẫu thuật cắt khối u. Vì kết quả giải phẫu bệnh lành tính, bệnh nhân được cho về mà không phải hóa trị, cũng không kiểm tra phổi trong thời gian dài.

Một phụ nữ ở TPHCM nhức đầu, đau lưng suốt 2 năm vì khối u cực hiếm ở phổi - 1

Bệnh nhân H. tái phát khối u sau 10 năm phẫu thuật (Ảnh: Báo cáo viên).

10 năm sau phẫu thuật, bệnh nhân xuất hiện tình trạng chóng mặt, nhức đầu, sụt cân, đau lưng, kéo dài suốt 2 năm. Đến 2 tháng trước ngày tái nhập viện, người phụ nữ thường bị cảm sốt, khó chịu ngực bên trái. Phía bệnh viện tuyến huyện phát hiện có bướu ở đáy phổi trái, nên khuyên bệnh nhân lên tuyến trên để mổ.

Tại Bệnh viện Bình Dân, qua thăm khám và chụp CT, các bác sĩ phát hiện vùng đáy phổi trái bệnh nhân có bướu đường kính 17x22mm, không có các tổn thương khác. Bệnh nhân được lên kế hoạch mổ hở, vì mổ nội soi không thành công do phải thông nội khí quản.

Ekip điều trị đã tiến hành rạch một đường dài 12cm theo vết mổ cũ, cắt bướu và một phần thùy dưới phổi trái bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật, vì khối bướu dính chặt vào thành ngực, nên gây vỡ bướu. Sau ca mổ kéo dài 100 phút, bác sĩ đã cắt trọn khối bướu, sau đó khâu da, đóng ngực.

Kết quả sinh thiết hậu phẫu xác định, khối bướu của bệnh nhân là bướu mạch máu chu bào của phổi.

Một phụ nữ ở TPHCM nhức đầu, đau lưng suốt 2 năm vì khối u cực hiếm ở phổi - 2

Để phẫu thuật lấy khối u, các bác sĩ phải rạch một đường dài 12cm lên vết mổ cũ (Ảnh: Báo cáo viên).

GS.TS.BS Văn Tần cho biết, bướu mạch máu chu bào phổi rất hiếm gặp. Đây là lần đầu tiên ông cùng cộng sự tiếp nhận trường hợp mang bướu này.

Trong trường hợp trên, khi mổ cắt bướu lần 1, bướu được định bệnh là lành tính. Sau khi tái phát và mổ lại, sinh thiết qua kim cho kết quả lần đầu là ung thư, lần sau là bướu lympho B tế bào lớn. Đến khi giải phẫu bệnh bằng hóa mô miễn dịch, các bác sĩ mới nhận định đây là bướu mạch máu chu bào phổi.

Theo nhóm báo cáo, bướu mạch chu bào phổi xuất phát từ mô quanh mạch máu. Nhiều trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng khi bướu dưới 5cm đường kính, chỉ được tìm thấy nhờ chụp hình phổi. Phẫu thuật với mô bướu mới là điều trị tận gốc.

Bướu mạch chu bào phổi được chia thành 2 nhóm: nhóm mắc bệnh trẻ và nhóm người lớn. Ở nhóm trẻ, bướu thường tìm thấy ở đầu và cổ, các chi và thân, thường lành tính. Trong khi ở người già, bướu thường ở hốc mũi, xoang mũi và các nơi khác. Chỉ 1% bướu là ung thư gặp ở các mạch máu và 5% ở các sarcom (ung thư trong các tế bào mô liên kết).

Riêng bướu ở phổi rất hiếm, từ năm 1954 đến năm 2007, y văn thế giới chỉ ghi nhận trên 150 bệnh nhân, với triệu chứng chính là đau ngực, khó thở, ho và ho ra máu.

Một phụ nữ ở TPHCM nhức đầu, đau lưng suốt 2 năm vì khối u cực hiếm ở phổi - 3

Ảnh chụp X-quang phổi sau mổ một tháng của chị H. (Ảnh: Báo cáo viên).

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), nếu bướu ở nhóm I (tế bào không thay đổi, không có nhân bất thường) thì xem như lành tính. Ở nhóm II và nhóm III (tế bào phát triển trung bình và cao), một số bệnh nhân đã tái phát. Các trường hợp đã tử vong được ghi nhận khi bệnh nhân bị di căn ngoài sọ, di căn và chảy máu trong não.

Đến nay, y khoa vẫn chưa xác định được nguồn gốc của bướu mạch chu bào phổi. Một số giả thuyết cho rằng, bướu xuất phát từ mesenchyme (tế bào gốc trung mô) kém phân biệt, tuy nhiên còn nhiều tranh cãi. Về điều trị, tùy vào tình trạng bướu của bệnh nhân mà tiến hành phẫu thuật và theo dõi, hoặc kèm theo hóa trị.

"Bướu có tế bào quanh mạch máu thật khó biết, lâm sàng khó phân biệt. Chúng tôi ước lượng bệnh nhân trên là bướu nhóm II, ở phổi và di căn chậm, nên sau 10 năm mới thấy bướu" - các bác sĩ chia sẻ về trường hợp của chị H.

TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, mỗi năm số lượng bệnh nhân ung thư đến nơi này điều trị là khoảng 23.000 ca mới.

Tại Việt Nam, ước tính có hơn 182.500 ca mới và 122.690 ca tử vong do ung thư trong năm 2020. Đáng chú ý, trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020, Việt Nam gia tăng nhanh tỷ suất bệnh nhân ung thư mắc mới và tử vong.

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng với bệnh nhân ung thư là rất nặng nề. Theo đánh giá của WHO, việc quản lý, phục vụ liên quan đến chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư giảm 50% ở tất cả quốc gia...

Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư TPHCM là nơi để chia sẻ kinh nghiệm trong việc phòng chống, chẩn đoán và điều trị ung thư. Từ kết quả có được trong hội thảo có thể áp dụng cho việc cải thiện kết quả điều trị, thực hiện chiến lược phòng chống ung thư cho Việt Nam và TPHCM trong những năm kế tiếp.